Friday, June 26, 2009

.
.

CỔ HỌC TINH HUÊ
.

.
.
24. DIỆU QUỐC SÁCH
SG, 02/05/1989 (Trích TỨ QUỐC CHÍ)
.

.
Vua nước Cẩu cử Nhảm Nhí Đại Nhân đi sứ ba nước láng giềng - Mã, Ngưu, Trư Quốc; trở về, Đại Nhân trình:

Tâu Bệ Hạ, nước Mã hùng mạnh nhất, nước Ngưu chả ra sao, còn nước Trư thời bất khả tư nghị; tuy nhiên, đường lối mỗi nước đều có chỗ đắc dụng, đáng cho ta học hỏi nghiên cứu.

Cẩu vương hỏi:

Khanh hãy khá giải thích cho Trẫm, tại sao nước Mã lại hùng mạnh?

Tâu Bệ Hạ, nước Mã đối xử với người tài khác xa kẻ bất tài : Người tài được giao cho những việc trọng đại, bổng lộc lại tương xứng công lao ; trong khi đó, kẻ bất tài dẫu ghen tị cũng chẳng chen chân được, đành chịu lép một bề, nhờ vậy, đất nước lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, xã hội cứ thế mà tiến lên địa vị hùng mạnh. Tâu Bệ Hạ, nếu ta muốn thôn tính những nước khác, thời phải học hỏi theo đường lối dùng người của nước này trước đã.

Cẩu Vương phán:

Phải rồi. Chà, ước gì nước Cẩu của Trẫm đây cũng được như thế.

Đoạn, hỏi tiếp:

Còn như nước Ngưu nọ, bởi đâu lại bảo chả ra sao?

Tâu Bệ Hạ, vua nước Ngưu đối xử chẳng phân biệt người tài với kẻ bất tài, nghĩa là cào bằng như nhau cả lũ; bởi vậy, đâu đâu cũng gặp cái cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, dở khóc dở cười, nom thật chẳng ra làm sao.

Cẩu Vương phán:

Ôi, cầu sao cho nước Cẩu của Trẫm chẳng bao giờ phải đến nỗi như thế. Có điều Trẫm chẳng hiểu, ấy là, có gì để ta học hỏi ở cái nước Ngưu nọ?

Tâu Bệ hạ, có chứ. Ấy là khi ta cần xin viện trợ của một nước nào khác, đường lối dùng người của nước Ngưu sẽ giúp ta chóng tạo được một bộ mặt cực kỳ thê thảm, dễ khiến cho người phải động lòng trắc ẩn, đến nỗi móc tiền lẻ ra bố thí ngay, chẳng ngần ngại mảy may.

Ừ nhỉ. Trẫm sẽ nghiên cứu thêm. Còn như nước Trư, cớ sao mà bất khả tư nghị? Phải chăng dân quân nước ấy đều đã được nên như tiên thánh cả?

Tâu Bệ Hạ, chẳng phải thế. Vua nước Trư cũng đối xử rất khác giữa người tài và kẻ bất tài.

Thế thời cũng giống nước Mã? Ắt phải hùng mạnh lắm?

Tâu Bệ Hạ, nào phải thế! Đành là giống nhau ở cái có phân biệt, song lại khác hẳn ở cái cách phân biệt : Ở nước Trư, người tài chớ hòng chen chân vào một công việc nào ra hồn, nghĩa là may mắn lắm thời được kéo xe, hớt tóc, hay gác cổng ; trái lại, mọi trọng trách đều phó thác vào tay những kẻ bất tài. Kết quả là xã hội cứ thế mà tiến đến một địa vị khủng khiếp, chẳng ai dám bàn, dám tiên đoán gì nữa ; có thể gọi bất khả tư nghị được vậy.

Cẩu Vương phán:

Tuyệt. Khấn sao cho mọi nước thù địch của Trẫm đều ra như thế. Mà này, hy vọng là khanh sẽ không khuyên Trẫm phải học hỏi lấy một điều gì của cái nước Trư ấy đấy chứ?

Tâu Bệ Hạ, thần thiết tưởng không nên suy nghĩ giản đơn như vậy. Sự thật thời đường lối của nước Trư rất có thể trở thành đắc sách trong những trường hợp nhất định.

Đắc sách? Hô hô hô!!!

Kìa, xin chớ coi thường: Bệ Hạ hãy thử tưởng tượng mà coi, nếu như một khi ta đang bị đe dọa xâm lăng bởi một nước khác hùng mạnh hơn, thời quả chỉ có đường lối của nước Trư nọ mới có thể cứu vãn được tình thế. Thật vậy, những kẻ dọ thám của địch, trước tình hình đó, sẽ không còn biết đâu mà mò nữa, ắt sinh lòng hoảng sợ khiếp phục, mà phải trở về tâu với Vua của chúng cho bỏ ngay cái âm mưu bất tường kia đi.

Cẩu Vương nghe đến đây, thời hết cười hô hô; trái lại, chuyển dần sang vẻ kinh dị, khều Nhảm Nhí Đại Nhân, bảo nhỏ:

Thật ư? Thảo nào, nước Mã chẳng dám mó vào cái nước Trư nọ, mà gần đây lại có ý quay sang nhòm nhỏ nước Cẩu này của Trẫm. Thôi đúng rồi. Nếu vậy, có lẽ Trẫm phải cho người nghiên cứu, áp dụng ngay đường lối kỳ diệu ấy của nuớc Trư!?
.
.
.
.
.

No comments: