Friday, June 26, 2009

.
.

CỔ HỌC TINH HUÊ
.

.
.
23. TIẾU LUẬN
SG, 03/05/1989
.

.
Mấy môn đệ chân truyền của Tào Lao Tử, nhân lúc sư phụ bận hạ san coi video, vừa uống trà vừa trò chuyện tương đắc lắm. Một kẻ bảo:

Hôm trước sư phụ có dậy: Cái cười trong thiên hạ chia làm ba thứ cấp, song còn chưa nói rõ, nay anh em ta thử mạn phép sư phụ thảo luận chơi.

Chúng khẩu đồng thanh:

Đại ca nói phải đó, được vậy kỳ tới cũng đỡ tốn công sư phụ vấn đáp.

Lại hỏi:

Ba thứ cấp nghĩa là sao?

Ấy là thượng thừa, trung thừa, và hạ thừa.

Mần răng gọi thượng thừa chi tiếu?

Sư phụ chưa kịp giảng giải, song ta thử đoán coi.

Xem ra chẳng khó. Theo đệ, ấy hẳn là cái điều khiến được cả thiên hạ cười hô hố, cười hoang hoác, vãi cả nước mắt, nước mũi, cùng nhiều thứ trí tuệ khác nữa?

Phải đó. Cười thế mới gọi là cười chớ, có thể khiến được hàng vạn người phải bỏ tiền ra mua liền, thực đáng để tôn là thượng thừa rồi vậy.

Sao, anh em đã nhất trí chưa?

Nhất trí. Ấy chính là thượng thừa chi tiếu.

Bây giờ xin nói về cái trung thừa.

Cũng chẳng lạ. Theo đệ, ấy hẳn là cái trò khiến cho lắm kẻ phải cười bật, cười đánh khục, cười hi hi, hay cười vi vút, cùng là các thứ đại loại?

Chắc là đó rồi. Cái cười kiểu này cũng rất phổ biến vậy, hàng trăm kẻ sẵn sàng bỏ tiền ra mua như chơi, có thể gọi trung thừa được đó.

Được, chúng ta nhất trí ấy là trung thừa chi tiếu?

Nhất trí.

Thế còn cái hạ thừa thì sao?

Lại càng dễ ợt nữa. Ấy chỉ là ba cái chuyện u mặc chẳng ai cười nổi, giỏi lắm chỉ làm nhếch mép được vài ba kẻ, còn gọi là cười mỉm đó?

Đúng rồi, cái cười kiểu này chỉ lưu hành trong giới kẻ sĩ , chẳng khiến nổi ai bỏ tiền ra mua, thật đáng xếp vào loại hạ thừa lắm.

Phải, nhất trí, ấy chỉ đáng gọi hạ thừa chi tiếu.

Nhất trí.

Thế là xong. Giờ xin Đại Ca tổng luận cho, để chúng đệ còn học thuộc lòng, đặng mai trả bài cho sư phụ nữa. Điện sắp sửa cúp đến nơi rồi.

Xong ngay. E hèm. Vậy ta nhất trí thế này: Cái cười trong thiên hạ được phân thành ba thứ cấp, dựa vào những chuẩn mực cụ thể, ấy là: âm thanh, khẩu độ, số lượng, và mãi lực. Theo đó, thời thượng thừa là cái cười đại liên thanh, tung độ môi, hoành độ mép đều lớn, có thể tác dụng vào hàng vạn người, với mãi lực đáng kể. Kế đó, là trung thừa chi tiếu, tức cái cười tiểu đơn thanh, tung độ môi, hoành độ mép vừa phải, có khả năng tác dụng vào hàng trăm người, với mãi lực khá. Còn lại rốt hết là hạ thừa chi tiếu, thời vô thanh, khẩu độ không nhất thiết phải thay đổi, chỉ có khả năng tác dụng vào một vài đối tượng, đồng thời không có mãi lực chi hết.

Tổng kết xong, huynh đệ thẩy đều vỗ tay, tự khen là trí tuệ; thế mới đáng gọi là môn đồ chân truyền của Tào Lao chứ.
.
.
.
.
.

No comments: