Friday, June 26, 2009

.
.

CỔ HỌC TINH HUÊ
.

.
.
03. HỌC VẼ
SG, 30/03/1989 (Trích KHỀ KHÀ NGỮ / Chương VẤN TÚ TÀI)
.

.
Ở Ngao Quốc xưa có kẻ theo nghề vẽ người, lẽo đẽo đã bao năm vẫn không được đời quý chuộng, bèn tìm đến một họa sĩ thời danh giầu có thời bấy, là Ngụy Tử, hỏi:

Thưa ngài, tôi phải vẽ sao bây giờ?

Ấy là tuỳ đất, tuỳ người.

Nghĩa là thế nào?

Ở đất kia, lạ lắm, chẳng mấy ai chịu nhìn cái thực; trái lại, chỉ chuộng điều giả trá: Có gã kia sứt môi, đến nhờ, ta vẽ ra lành lặn; gã thích lắm, lại đem vợ đến. Ả méo mồm, ta vẽ thành ngay ngắn; lại càng thích, liền giới thiệu người khác, khách đuổi đi không hết.

Thật mầu nhiệm.

Chẳng đáng gì. Nào đã gọi là đắc sách?

Lại có sách mầu hơn ư?

Sao không? Nếu chỉ biết một sách, thà không đọc gì còn hơn.

Vậy xin nói thêm sách kia.

Nghe nói đất anh ở, người đời tai ưa nghe chuyện rùng rợn, mắt ưa nhìn sự quái dị; đã vậy, sao không thường vẽ quỷ thần, rồng rắn, lưỡi đỏ, nanh dài, cưỡi mây, khạc lửa? Sao không thường vẽ những điều không bao giờ có thật, những chuyện chẳng bao giờ xẩy ra? Ấy mới kể đắc sách; nếu chẳng bán được tranh, cứ đến nhổ vào mặt ta.

Tôi sợ khó theo.

Nghe vậy mà chẳng phải vậy. Sự thật thời chẳng gì dễ cho bằng vẽ những điều chẳng hề có; đã vậy, còn được tiếng đồn, khen cho con mắt tiên tri, nhìn suốt sáu cõi âm dương lục đạo. Nọ trông những bậc hoạ sư ở đất anh, như Lộng Tử, Ngoa Tử, … đã chẳng từng trở nên lẫy lừng nhờ tuyệt kỹ này ru? Còn những kẻ thật thà chỉ biết vẽ mãi một thực tại trước mắt, thời tránh sao cho khỏi bị chê bai là tầm thường nhi thuật?

Thật mầu nhiệm. Nhưng hỡi ơi, thế thì thực tại trước mắt tôi đây chẳng còn gì để vẽ nữa sao?

Nói thế cũng chẳng phải. Còn chứ. Còn một thứ này, nơi nơi đều chuộng, đời đời đều yêu: Há chẳng biết, trên hết mọi sự, người đời vẫn thèm khát nhất những chuyện tục tĩu, những điều tà vạy, phải dấu diếm? Thế ai cấm anh không được chuyên cần mà vẽ ra ngồn ngộn những bộ phận sinh dục, ê hề những thao tác truyền giống, miễn sao cực kỳ táo tợn, cực kỳ kinh dị; lại tha hồ thực, chẳng gì thực hơn? Được vậy, thời tiền tài, danh vọng, chỉ trong gang tấc. Ấy mới gọi thượng sách; nếu chẳng phải, cứ đến lấy dép mà vả vào mồm ta. Kìa như bậc đại danh họa thời nay, là Trọc Tử, đã chẳng một mình đoạt hết giải thưởng này đến giải thưởng khác rất ư cao quý, chỉ nhờ thủ đắc bí quyết này ru? Còn nói chi đến những kẻ ngây ngô, chỉ biết tô đi đồ lại những trò đạo đức nhàm chán của nhân sinh, thảng hoặc có bị những đấng sành điệu xếp vào hàng liệt dương, hay thiến hoạn, tưởng cũng chẳng có chi là oan uổng vậy.

Lại nói:

Sở dĩ bấy lâu anh không thành công cũng chỉ bởi anh giỏi vẽ hình người mà chưa giỏi vẽ cái tánh của người, có thế thôi.

Chao. Đơn giản vậy ru? Vậy mà bao năm qua tôi cứ luống công, đến đỗi suýt trở thành bất đắc chí, chẳng khác nào người mù, không nhìn thấy đường đi.

Nay đã chỉ cho thấy, thời cứ thế mà đi.

Đa tạ.

Kẻ nọ trở về, thực hành điều tâm đắc, sau trở thành đại danh hoạ, một thời vinh hiển; của cải, danh vọng, chẳng biết để đâu cho hết.
.
.
.
.
.

No comments: