Friday, June 26, 2009

.
.

CỔ HỌC TINH HUÊ
.

.
.
04. PHÁT HÀNH
SG, 01/04/1989 (Trích NGÀN LẼ MỘT CHUYỆN KINH RỊ)
.

.
Nghe nói ở Sài Đại Thành xưa có Tú Tài họ Bợm hành nghề độc quyền in và bán sách, ai có nhu cầu đều phải tìm nhờ, dầu được hay không, còn tùy. Ngày nọ, một thư sinh mặt trắng đem tập bản thảo chưa ráo mực đến, Bợm thờ ơ hỏi:

Anh cần gì?

Thưa, chỉ có tập bản thảo đây.

Bợm liếc xéo trang bìa, hỏi:

Ấy là cái gì? Thi? Truyện? hay Kinh? Ai viết?

Thưa, nó là đứa con đầu lòng của tôi, nói về cái lẽ nhân sinh : về niềm vui và khổ não, sống và chết, tồn tại và vĩnh cửu, ...

Bợm lật vài trang, bĩu môi:

Thế thôi à? Anh nghĩ ai sẽ đọc cái loại này?

Tôi không mong nhiều người đọc , nhưng ...

Bợm cười khẩy, dạy:

Này anh bạn, anh nên hiểu, những điều anh viết đó đã có hàng vạn kẻ trên đời này viết nát ra rồi ; rốt cuộc có đi đến đâu? Ta khuyên anh chớ mó vào nữa : Người đời nay thực dụng lắm, chẳng ai thèm những thứ vô bổ ấy của anh; anh nên kiếm cái gì khác mà làm thì hơn, miễn bổ ích, thiết thực, và khoa học.

Gã thư sinh cầm bản thảo về, còn Bợm thời sập cửa; kẻ buồn, người bực.

Chiều cùng ngày có Thầy Cử Bịp, vẫn tự xưng Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Đời Sống, cũng đến gặp Tú Bợm; Bợm vồ vập, khoản đãi nước nôi, lễ phép hỏi:

Chẳng hay ngài có chi dậy bảo?

Cử Bịp khà một tiếng:

Ta suốt mấy năm nằm vắt chân lên trán, hoàn thành được một công trình vô song này, rất nên tâm đắc ; rày muốn cho in ra để cứu đời, mua lấy âm đức về sau.

Bợm xuýt xoa:

Ôi, thực là tài hoa. Xin ngài cho xem qua.

Đây, công trình vô song ấy đây. Ta hãy tạm đặt tên Toàn Khoa Đại Thần Pháp. Cứ việc theo lời chỉ dậy của bảo pháp này, thời nhân loại sẽ chẳng ai phải trầm luân trong bể khổ của nan y bá chứng ; trái lại, còn được phép trường sinh bất lão, phúc lộc thọ tam toàn nữa. Sách dành cho mọi người : phú, bần, nam, phụ, lão, ấu, ai ai cũng thực hành được, tiện lợi, dễ dàng, không tốn kém. Ấy cũng chính là cái tâm nguyện khiêm tốn của ta vậy.

Bợm nâng niu báu vật, giở đọc qua lời giới thiệu, rồi chương dẫn nhập, rồi số liệu thống kê, rồi biên tập bệnh án, chưa kể trích dẫn này nọ, xong, trầm trồ:

Từ thủa bình sinh Bợm này mới được thấy là một. Sao mà thần đến vậy ? Tự chữa lành nan y bá chứng chỉ bằng … nước đái của chính mình! Quả vừa bổ ích cụ thể thiết thực, vừa lý luận khoa học hùng hồn. Ngài sẽ được người đời tri ân biết mấy cho vừa, mà tôi đây cũng được thơm lây, ấy là chưa nói tới cái lợi lớn hàng chục vạn đồng vàng sẽ chui vào túi của chúng ta, khiến cho ấm áp phủ tạng nữa. Này, giấy đây, bút đây, mực đây, tôi xin làm ngay bản giao kèo để sớm phát hành cho ngài Hàn Lâm Viện Sĩ.

Nói đoạn, thét bảo gia nhân bày tiệc rượu, chén thù chén tạc cùng quý khách; ai nấy đều vui.

*

Lại nói gã thư sinh mặt trắng, từ ngày nọ về, không được in bản thảo đầu tay, thời trong bụng cũng khá là u uất; may sao một hôm, nhân ra phố, thấy nhan nhản mọi nơi bầy bán một cuốn kỳ thư, tên gọi Niệu Liệu Toàn Khoa Khoa Học Đại Thần Pháp, Bịp Viện Sĩ đứng tên, Bợm Tú Tài phát hành, cực kỳ ăn khách. Gã cũng tò mò mua một cuốn về đọc, đọc đến đâu cười đến đó, nhờ vậy bỗng hết u uất, lại trở nên trí tuệ. Thế, chẳng đáng gọi là thần ru?
.
.
.
.
.

No comments: