Thursday, June 25, 2009

.
.
phỏng vấn
Tạp Chí VIỆT#8

(http://tienve.org/home/viet/viewVietJournals.do?action=viewArtwork&artworkId=38)

.

.
.
.
Ðinh Linh (ÐL): Tuyển tập truyện ngắn của anh, Tầng Trệt Thiên Ðường , được viết vào những năm 91, 92, tại sao đến 1995 mới ra mắt?

.
Bùi Hoằng Vị (BHV): Giấy phép mất mấy năm không xin được, đến 95, khi tôi đã chán, định thôi, thì nó... rơi xuống. (Và đây quả là một “phép lạ”, chỉ anh Chinh Văn mới có thể làm, để giúp tôi thôi; tôi rất cảm ơn anh ấy.)

.
ÐL: Tầng Trệt Thiên Ðường không được phổ biến rộng, và đã không gây được một dư luận lớn, xứng đáng, sau khi được phát hành. Tại sao?

.

BHV: Sách được xuất bản dưới dạng liên kết. Dự định của tôi là chỉ in 100 để có sách hợp pháp tặng một số người (và cũng là để tiện giữ tác quyền), nhưng nhà in không nhận in ít hơn 500, nên tôi phải in 500. Sau đó, nhờ một cử chỉ đẹp của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Fahasa đã mua 100, trả tiền ngay. Còn lại, tôi tặng gần 100 nữa. Số thừa thì gửi vào... gầm giường. Tại sao nó đã không gây dư luận lớn nào? Vì số phát hành ít (chỉ 100), và vì không hợp khẩu vị của trước hết là TP.HCM, nơi còn quá nhiều độc giả đang xuýt xoa với những văn Nguyễn Nhật Ánh và thơ Trương Nam Hương. Bởi vậy, nếu có xảy ra điều ngược lại với nhận xét của anh, tôi mới ngạc nhiên được.
.
ÐL: Anh có thể nói sơ về sinh hoạt văn nghệ ở SG? Văn chương SG trước 75 đã ảnh hưởng anh như thế nào? Và những nhà văn SG cùng thời với anh đã ảnh hưởng anh như thế nào?

.
BHV: Văn chương SG, tôi thích Tuý Hồng (ở nhiều truyện), Nhã Ca (ở Giải Khăn Xô Cho Huế), và Trần Thị Ngh. (ở một số truyện), nhưng họ không ảnh hưởng nhiều đến tôi bây giờ. Còn với TP.HCM “đương đại”, đáng tiếc, trong giới cầm bút tôi chỉ biết có Kim Cúc, Lý Lan, Vàng Anh, Lê Thiện Dũng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Ðạt, và Nguyễn Quốc Chánh, quá ít để có thể hiểu khái quát về sinh hoạt văn nghệ ở đây. Ảnh hưởng của họ (những người này) đối với tôi? Ắt phải có rồi, mỗi người một ít, chỉ có điều là tôi chưa… nhận ra.

.
ÐL: Anh xuất hiện sau đợt đầu của phong trào Ðổi Mới. Những nhà văn của phong trào đó như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có ảnh hưởng gì đến những sáng tác của anh không?

.
BHV: Những người đó đều ít nhiều đã hâm nóng lại quan tâm của tôi đối với văn học và hoàn cảnh sáng tác của nó ở đây. Họ có một điểm chung, positive: “phê phán sắc, mạnh, đáo để”, … Tình cờ, họ cũng có một điểm chung khác nữa, nhưng quite negative, khiến độc giả đôi khi phải ngoảnh mặt đi, ấy là, dường như họ “không bao giờ… cười”? Có chăng, chỉ gọi được là “nhe răng”, “khẩy”, hoặc “gằn”, để lại ấn tượng hung và nghiệt. (Hay là phải thế mới đương nổi với cái đám “quần hồ” vừa đạo đức giả vừa đểu thật ở quanh họ?!) Dù sao, cái gì positive, ta tiếp thu; cái gì không, thì thôi.

.
ÐL: Anh nghĩ gì về văn chương hải ngoại? Anh đọc và thích những nhà văn nào trong số họ?

.
BHV: Tôi ít đọc mảng này vì không có (thảng hoặc một năm tình cờ lọt vào tay một, hai số báo) nên không biết nghĩ gì. Còn những gì đã đọc được cụ thể, và thấy thích: một hai truyện ngắn Trần Vũ, Ký Sự Ði Tây Ðỗ Kh., Thơ v.v...và v.v... Nguyễn Hưng Quốc, và một số thơ Thận Nhiên, thơ Ðinh Linh.

.
ÐL: Những bối cảnh trong truyện của anh thường hư ảo, trừu tượng, không phải của thế giới này. Cũng có ý kiến bảo truyện của anh khó hiểu? Anh có mục đích gì khi làm thế?

.
BHV: “Hư ảo” và “trừu tượng”? Ấy có thể là ấn tượng của một số người đọc, do tôi đã chủ ý loại bỏ đi hai điều, trong truyện của mình: Thứ nhất, việc xác định không thời gian, hoàn cảnh địa lí, lịch sử cụ thể của chuyện, và thứ hai, mọi thông tin về tên tuổi, diện mạo, dạng hình,… của nhân vật. Ðể làm gì? Thứ nhất, tôi muốn ra khỏi một trong những quán tính của phần lớn người viết, nghĩa là, cứ cố công cung cấp cho ê hề hai loại thông tin (mà tôi đã nói muốn loại bỏ) ở trên, với hy vọng sẽ thuyết phục được độc giả cho chuyện của mình là thật, là hoàn toàn khả hữu trên đời này: Với một số loại truyện (trong đó có của tôi), hy vọng này hoặc thừa hoặc là ngây thơ. Thứ hai, tôi muốn độc giả mình cũng phải đủ bản lĩnh thoát ra khỏi cái quán tính đọc tương ứng của phần lớn người ta (nghĩa là, cái quán tính muốn được thuyết phục, tự nguyện được thuyết phục theo cùng một kiểu ấy!) Và điều này: Sao tôi phải đẩy cái “hư ảo”, “trừu tượng” kia (cứ cho là như thế) đến mức làm cho truyện mình thành ra “khó hiểu” (vâng, vì không ít người bảo không hiểu tôi viết gì!)? Ở đây lại có hai mục đích khác, và chúng khá mâu thuẫn: Một đàng, tôi muốn một số người sẽ giải mã được điều tôi muốn nói; đàng khác, số còn lại, thì sẽ không. Còn, “không phải của thế giới này”? Tôi không mong là chúng ta có đến hơn một thế giới, chỉ có điều anh và tôi có thể gọi nó bằng những tên gọi khác nhau thôi; ở đây, trong truyện tôi, nó được / bị gọi là “Thiên Ðường”, “Luyện Ngục”, “Xứ Sở Của Mùa Xuân”, “Xứ Sở Của Mùa Ðông”, “Phòng Bốn Giường”, “Bồn Rác”, “Khu Nội Trú”, vân vân, với đôi ba hình tượng dị hợm: “Nấm Mồ Của Thượng Ðế”, “Tử Thi Sodome”, những “Thiên Thần”, những “con Quỷ”, chẳng hạn, thế thôi; mặc dù vậy, tất cả vẫn chỉ là hình bóng của “trần gian này”, của “cõi người ta”, phải không ?

.
ÐL: Anh có quan niệm gì về vai trò của người viết và vai trò của người đọc? Và anh trông đợi gì ở vai trò của người đọc mình?

.
BHV: Người viết và người đọc có những vai trò tương ứng, thông qua văn bản. Với những văn bản thể loại khác nhau (chẳng hạn thư tín, bản tin, thông cáo, vân vân), người viết, cũng như người đọc có những vai trò khác nhau, và thường thì chúng “đối xứng”. Ở đây, văn bản là tác phẩm văn học, người viết có vai trò gì? Xin mượn chữ thiên hạ đã xài rồi: hoặc chủ yếu là “reporter” và/hay “entertainer”, hoặc chủ yếu là “reformer” và/hay “explorer”. Thế thì, vai trò tương ứng của người đọc? Trường hợp thứ nhất thì rõ rồi: “report reader/hearer” và/hay “entertainee”, phải không? Song, trường hợp thứ hai, tôi nghĩ, thực sự đòi buộc người đọc cũng phải là một “reformer” và/hay “explorer” tự bản chất, nếu không, văn bản sẽ bị khước từ ngay từ đầu: việc đọc thất bại. Những “văn bản” của tôi, hay của anh, chủ yếu cho người đọc loại thứ hai này, và con số họ hẳn là không nhiều, ở đâu và bao giờ cũng thế thôi.

.
ÐL: Những mẩu đối thoại trong truyện của anh lúc thì ngô nghê, dân gian, lúc thì triết lý, cao siêu. Anh có thể nói gì về kỹ thuật dựng đối thoại của anh?

.
BHV: Tôi nghĩ, bình thường thì, có lẽ người viết nào khi dựng đối thoại, cũng quan tâm đến những điều này: Sao cho giúp cá biệt hoá ngôn ngữ (từ đó, tính cách, và nếu có thể, thì càng tốt, cả nghề nghiệp, xuất thân xã hội, v.v...) của nhân vật, (tỉ dụ, người “Xin Ngài vui lòng nhắc lại, tôi nghe không rõ ạ” thì khác với người “Ðụ má, nói lớn coi, con này điếc!”) Cùng lúc, nếu được, giúp hình dung những gì đang diễn ra chung quanh tình huống thoại (tỉ dụ, khi đọc: “Bỏ tay xuống nào. Ðừng thẹn vờ !”, hoặc: “Nữa. Cởi hết. Thế! Thế!”, tôi có thể “thấy” gì?) Rồi, nếu được nữa, để các nhân vật, bằng biện chứng của các lời thoại, xây dựng (hay tải giúp) một phần nội dung, hay diễn biến, của chuyện. Và, trong mọi trường hợp, việc ngưng một nhân vật đang nói lại để thuyết minh chen vào là điều phải cân nhắc hiệu quả.

.
ÐL: Anh có thể nói gì về ảnh hưởng của triết lý Thiên Chúa Giáo trong truyện của anh?

.
BHV: Nếu hiểu đấy là triết lý thuần tuý, thì có lẽ khó thấy, khó nói, ngay được. Còn, nếu hiểu như một bộ phận Giáo Lý Ðồng Ấu (luôn luôn là hạ thừa!), thì không chỉ riêng Thiên Chúa giáo, mà cả Phật Giáo, cùng các tín ngưỡng bình dân khác, lúc nào cũng sẵn các hình tượng, với đủ mầu sắc thi vị, đậm đà: “Thiên Ðường”, “Ðịa Ngục”, “Hoả Ngục”, “Luyện Ngục”, “Âm Phủ”, “Thượng Ðế”, “Chúa”, “Bụt”, “Thiên Thần”, “Ác Quỷ”, “Quỷ Sứ”, “Thánh”, “Tiên”, “Ma”, vân vân, mà người ta vẫn còn có thể khai thác mãi. Chỉ có điều, trong truyện của tôi, “Thiên Ðường” chẳng phải “Thiên Ðường”, “Thượng Ðế” không ra “Thượng Ðế”, “Thiên Thần” và “Quỷ” lại càng không giống... “hàng thật”. Thì đã đành, tất cả chỉ là hàng “fake” mà, phải không?

.
ÐL: Anh có chủ ý gây cười khi viết truyện? Theo anh, cái cười trong văn chương phải như thế nào?

.
BHV: Cười là một đặc điểm của người. Với người VN thì còn hơn thế. Ý tôi liên tưởng đến Nguyễn Văn Vĩnh; và nếu ông ấy đúng , thì có lẽ tôi rất...Việt Nam. Từ downstairs cho đến upstairs humor, từ Ba Giai, Tú Xuất, Lý Toét, Xã Xệ,... cho đến Rabelais, Cervantes, Gogol, Shaw, Kim Dzung, v.v..., đều “cù” tôi được. Tôi không phân biệt lắm giữa cái cười trong văn chương với cái cười trong cuộc đời, và cũng không đòi hỏi nó phải như thế nào hết, miễn nó làm tôi ... cười. Ấy cũng là điều tôi có ý tìm kiếm, khi đọc và khi viết (vì hiển nhiên nó còn tốt cho sức khỏe nữa); nhưng mà, có đạt được hay không, còn tuỳ.

.
ÐL: Sau Tầng Trệt Thiên Ðường, độc giả được đọc “Phòng X Khu Nội Trú” trên Hợp Lưu, nhưng sau đó không thấy truyện của anh nữa? Lý do?

.
BHV: Ðúng hơn, tôi có viết một truyện ngắn, “Bẩy Trích Ðoạn Mùa Xuân Mầu Cam” (1995), đăng trong Tuyển Tập Văn Trẻ của NXB Trẻ, Xuân 1996. Sau đó thì thôi, vì không hứng thú nữa. Có nhiều chuyện khác đáng quan tâm hơn, và cũng đã chiếm hết thời gian rồi, anh Ð.L. ạ.

.
.
.
.
.

No comments: