.
CỔ HỌC TINH HUÊ
.
.
.
31. NGHỊCH LÝ CỦA CON TIM
SG, 04/05/1989 (Trích Đặc San HÔN NHÂN & TÌNH YÊU, Trang TUỔI 17)
.
.
Ở chân núi Cắc Cớ có một thôn nhỏ, trong thôn có nhà Kỳ Cục lão gia sinh được một gái, rất mực yêu chiều, tên gọi Ly Kỳ, năm nay vừa tới tuần cặp kê. Xảy cùng lúc có hai nơi đến cầu hôn: Bạch Công Tử và Hắc Công Tử. Bạch Lang được cả thôn ví như Thạch Sanh, khen từ ngọn tóc xuống gót chân, lại khen cho đến cả những chuyện chẳng đáng chút nào; trái lại, Hắc Công Tử bị coi như Lý Thông vậy, chê từ đỉnh đầu xuống đế giầy, lại cũng chê cho đến cả những việc chẳng nhằm đâu cả. Ly Kỳ Tiểu Thơ nghe biết hết. (Mà không nghe cũng chẳng được: Miệng đời đã khen, hay chê, thời cứ mờ sáng cho chí tối mịt, bình minh cho tới hoàng hôn, suốt ngày, suốt tháng, quanh năm, ra rả, ra rả.)
Kỳ Cục lão gia tuyên bố để mặc con gái tự ý, song trong lòng cũng chắc mười phần chẳng ai lại chọn Lý Thông. Thế nhưng, đùng một cái, rõ kinh hoàng: Ly Kỳ Cô Nương quyết định sánh duyên cùng Hắc Công Tử. Cả nhà mếu máo; ai cũng bảo nhất định Tiểu Thư đã bị ma ám. Lão gia đành phải cấp kỳ đem ái nữ lên núi, tìm Hang Cắc Cớ, nhờ Cắc Cớ Đạo Nhân ra tay trừ tà.
Đạo Nhân xem qua tình trạng Ly Kỳ Tiểu Thơ, bảo:
Ta thấy cô nương thần khí tươi nhuận lắm, ắt chẳng phải bệnh; chẳng hiểu vì đâu gia đình lại quá ư lo lắng?
Kỳ Cục lão gia vẻ mặt vô cùng thiểu não, kể hết chuyện Hắc, Bạch nhị lang, nhờ Đạo Nhân khuyên giải tiểu nữ giùm. Cắc Cớ nghe xong, mỉm cười:
Ấy nào phải tại tà ma? Chỉ bởi tâm lý thường tình thôi. Nghe nói, thiên hạ chỉ thuần khen Bạch Công Tử. Chẳng nói tới những lời khen dầu xứng chỗ, song lập đi lập lại mãi, cũng phải nhàm tai, huống hồ những chuyện khen chẳng xứng chỗ, lại ra rả tứ thời, thời sẽ ra sao? E còn tệ quá là chê: Kết cục, người nghe chẳng còn thấy hay đâu nữa, lại đâm ra chán. Phần Hắc Công Tử, thiên hạ lại thuần chê. Chẳng nói tới những cái chê dẫu nhằm nơi, song nhai tới nhai lui hoài, cũng đâm hết sợ, huống hồ những việc chê chẳng nhằm nơi, lại cứ nheo nhéo quanh năm, thời sẽ ra sao? E còn tốt quá là khen: Kết cục, người nghe không còn thấy dở chỗ nào, lại nảy ý bênh. Nay lệnh ái nghe khen chê hẳn đã bão hòa, lại quyết chọn lấy Hắc Công Tử, âu cũng bởi cái lẽ kia thôi, có gì lạ? Việc này lỗi chẳng tại ai, chỉ nực cười cho cái miệng đời, khen cũng không biết cách khen, chê cũng chẳng biết đường chê, đa ngôn đa quá, đều phản tác dụng cả.
Kỳ Cục lão gia lại nằn nì:
Dù sao thì dù, xin Đạo Nhân vì gia đình tôi, bảo ban, khuyên nhủ tiện nữ giùm một tiếng.
Song, Cắc Cớ lại rằng:
Đã nói lỗi chẳng ở ai, ta biết dựa vào đâu mà khuyên can? Thôi thì lão gia từ đầu đã muốn tôn trọng ý riêng của tiểu thơ, thời nay cứ vậy mà tiếp tục, chẳng phải hay hơn cả sao?
Kỳ cục lão gia xạm mặt lại, rũ áo đứng lên, vùng vằng nói:
Tưởng đem nó tới đây Đạo Nhân dậy bảo làm sao, ai ngờ lý luận như rứa, thời bỏ mẹ người ta cả rồi còn gì? Đạo Nhân lấy hiệu là Cắc Cớ, lại ở trong Hang Cắc Cớ này, thật phải lắm.
Nói đoạn, dắt Ly Kỳ ái nữ đi thẳng một mạch xuống núi, không thèm ngoái lại. Phần Cắc Cớ, chỉ ngồi yên nhìn theo vị khách quý mà cười hì hì, hiển nhiên là vẫn còn khoái chá vậy.
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment