.
CỔ HỌC TINH HUÊ
.
.
.
09. CÔNG LÝ ĐỜI XƯA
SG, 15/04/1989 (Trích SÁCH DẬY ĂN TRỘM)
.
.
Đạo Chích Tử hành nghề chẳng khéo, chẳng may bị tống ngục. Trong ngục, còn thở than:
Ngài Cai Ngục ơi, sao nỡ giam giữ, hành hạ tôi? Có Trời làm chứng, tôi bị xử thế này là bất công lắm.
Cai Ngục liền mắng:
Thằng Đạo chích kia, mày là đứa chây lười, ăn không ngồi rồi, làm chuyện càn rỡ, lấy của người làm của mình, ai nấy đều khinh ghét, nay tống vào đây, thật phải lẽ, còn kêu ca nỗi gì?
Cai Ngục ơi, ngài bảo tôi thế thật oan ức lắm. Nếu đêm ngày tôi chẳng vắt óc tìm tòi, học hỏi công phu, chẳng nề gian khổ, thời làm gì có được miếng nuôi mồm; sao lại bảo là đứa chây lười? Còn trong thiên hạ, bao kẻ đầu trộm, đuôi cướp, giết người ; so với họ, thời cái càn rỡ của tôi chẳng khác hồng mao sánh với Thái Sơn, song người đời chẳng những chớ hề khinh ghét họ, lại còn nức tiếng xưng tụng, khen lao. Thực chất chẳng qua chỉ nhờ những chuyện càn rỡ ấy họ khéo làm giữa ban ngày thôi.
Cai Ngục nạt ngang:
Thằng Đạo Chích kia, nay tù tội, đã chẳng biết thân, còn già họng dạy đời ư? Ai là kẻ nhờ khéo làm chuyện càn rỡ giữa ban ngày mà được khen lao, xưng tụng bao giờ? Nếu chẳng khôn hồn mà biện luận cho minh, thời đừng trách ta sẽ lệnh cho lý hình bẻ răng.
Tôi ít chữ, chẳng biết thế nào là biện luận cho minh, chỉ thấy sao nói vậy. Nay thử lấy chuyện này: Xưa có kẻ họ Thương, hành nghề buôn bán, lại chuyên lọc lừa, mua một nói mười, ăn không nói có, có hơn gì trộm cắp? Thế mà một khi giầu sang, lại được người đua gọi Đại Phú Ông, có phải mắng là thằng, chửi là nó, hay tù tội ngày nào? Chẳng qua chỉ là khéo ăn trộm giữa ban ngày thời được làm Ông?
Cai Ngục cười nhếch:
Họ Thương biết ăn nói, ắt là có học; lại ăn nói khéo, khiến được người phải bỏ tiền ra, ấy cũng là cái dụng của học vậy. Nhờ thế mà giầu, sao gọi là ăn cắp? Chẳng như mày, rõ quân vô học, vô dụng, bì thế nào với họ Thương được? Mày biện luận như thế là chẳng minh đó.
Thế thì xin lấy chuyện khác: Xưa có kẻ họ Phu, rặt thói tham ô, lấy mồ hôi nước mắt lương dân làm của mình, có khác nào quân cướp bóc; thế mà, vẫn một đời được tôn là dân chi phụ mẫu, dễ có gông cùm nào động được dến hình hài? Thế có phải khéo ăn cướp giữa ban ngày thời được làm quan không?
Cai Ngục cười khẩy:
Họ Phu ở cái thế lực mạnh, tài cao, tất có người tự nguyện biếu xén, chẳng qua cũng để tỏ cái lòng thành đối với kẻ có đức, có tài, sao gọi là ăn cướp? Chẳng như mày, rõ hạng bất lực, bất tài, so thế nào với họ Phu được? Mày biện luận như thế, lại càng hồ đồ đó.
Thôi thời xin lấy chuyện khác: Xưa có kẻ họ Quân, cực kỳ hôn bạo, lấy xương máu cả thiên hạ làm của mình, còn hơn cả phường đạo tặc; thế mà trăm họ vẫn thờ làm Thiên Tử, dễ có tiếng nào chê bai, trách móc? Thế lại còn chả phải khéo giết người giữa ban ngày thời được làm Vua ư?
Cai Ngục cười gằn:
Họ Quân là bậc mưu dõng hơn người. Phỏng như mưu không cao, dõng không lớn, sao ngồi chỗ ấy được? Lại con giòng cháu giõi, vinh hiển là lẽ đương nhiên. Nay ngôi đã cao, thân đã quý, lại không muốn chuốc lấy hiểm họa, thời phải pháp trị cho nghiêm, chớ nào gọi là giết người? Chẳng như mày, rõ loài thiểu mưu, thiểu dõng, sánh thế nào với họ Quân được? Mày biện luận như thế, thời bẻ răng là phải lắm.
Than ơi, cái công lý ở cửa mồm các ngài cai ngục đều là thế cả. Thôi thì răng tôi cầm bằng như phải bẻ sạch rồi.
Cai Ngục mới thở dài, dịu giọng:
Thằng Đạo Chích kia, lẽ ra đã lệnh cho bẻ răng mày, nhưng may cho mày cũng là đứa biết đôi điều thưa gởi, lại khéo rành chuyện đời xưa, nên ta tha tội cho; song le nghĩ kỹ, thời phải xẻo lưỡi mày, bởi lẽ chưa chừng mày cũng tỏ cả chuyện đời sau nữa, mà ta thì sắp qui tiên rồi, biết lấy ai bác bẻ cho được cái hàm hồ chi xảo thiệt của mày?
Thế là Đạo Chích Tử phải xẻo lưỡi. Biết thế hắn đã chẳng thèm mở mồm than thở làm chi.
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment