Friday, June 26, 2009

.
.
CỔ HỌC TINH HUÊ
.

.
.
20. CÁI NHỨC ĐẦU CỦA PHÀM NHÂN
SG, 27/04/1989
.

.
Thủa ấy Phàm Nhân ở sát vách Gầm Ghì Đại Phu, suốt ngày cứ nghe sang sảng từ bên nhà Đại Phu tiếng một người đọc sách thánh hiền, dạy những lời đạo đức, nhân nghĩa, thời mắc chứng nhức đầu kinh niên; song, có ý thẹn, tự biết mình ít học, kém hạnh, lại sinh lòng kính phục Đại Phu: Hễ có dịp gặp ở đâu, thời chỉ đứng xa, cung kính vái chào, tuyệt không dám viện tình lối xóm để sàm sỡ kết thân.Cũng thủa ấy, trong vùng trộm cướp luôn, có khi giết cả người, cực kỳ táo tợn. Thiên hạ chẳng biết ai là thủ phạm, cứ ngờ cho Đạo Chích Tử. Phàm Nhân buồn bực quá, bởi lẽ Đạo Chích dẫu sao cũng là chỗ thân thuộc; nhiều bận, đã định sang nhà Đại Phu tâm sự cho vơi bớt nỗi niềm, song lại thôi, vì vẫn ngại, cứ nghĩ, người ta là bậc uy nghi đạo hạnh, chỉ quen những tình tự thánh hiền, nghe những lời đạo đức, nhân nghĩa.Thế rồi một hôm lệnh triều đình về, cùng với cơ man nào là binh vệ, gươm giáo. Hóa ra người ta đang truy tầm bọn cướp trong vùng. Đạo Chích Tử xanh mặt, trốn sang nhà Phàm Nhân, nằm lăn dưới gậm giường, không dám thở. Phàm Nhân lại thấy quan quân rõ là đang xộc về phía nhà mình, thời hết bứt tóc đến dậm chân, một cứ nguyền rủa thằng cháu khốn nạn. Ngờ đâu người ta lại ập thẳng vào nhà Gầm Ghì Đại Phu mà lùng xét; lát sau, bắt trói cả nhà, giải đi, cùng với bao nhiêu tang vật. Cả xóm mới vỡ lẽ, ấy chính là thủ phạm những vụ trộm cướp, giết người táo tợn bấy nay; ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Ấy thế mà Phàm Nhân lại hóa nhức đầu gấp bội, bởi lẽ, cho đến khi ở bên kia vách xem ra đã vắng tanh cả rồi, thời vẫn nghe sang sảng tiếng một người đọc sách thánh hiền, dạy những lời đạo đức, nhân nghĩa. Không thể chịu được nữa, nửa khuya hôm ấy Phàm Nhân đốt một ngọn đuốc, quyết đích thân sang tận cửa, xem tận mắt. Đến nơi, mới ngã ngửa rằng, cái Đấng tối ngày giảng dạy những chân lý cao siêu nọ chẳng là ai khác hơn một con vẹt bẩy mầu, béo đẫy, nuôi trong cái lồng treo giữa nhà.Cũng từ ấy Phàm Nhân mới có cơ khỏi hẳn chứng nhức đầu kinh niên.
.
.
.
.
.

No comments: