Friday, June 26, 2009

.
.

CỔ HỌC TINH HUÊ
.

.
.
12. QUAN THIỀN
SG, 19/04/1989
.

.
Thủa đó dân Trung Quốc không theo đạo Thiền nữa, vì sợ bị xem là duy tâm, song tranh vẽ chân dung Bồ Đề Đạt Ma vẫn bầy bán khắp nơi, lại bán rất chạy. Tò Mò Tiên Sinh, người Nhật Bản, nhân sang chơi, thấy vậy, không khỏi lấy làm kỳ. Khôn ngăn được lòng, hỏi người bán tranh:

Xin bác vui lòng cho biết, bộ phận nào của nhân dân ở đây còn chuộng Thiền đến vậy?

Người bán tranh vui vẻ đáp:

Thưa, chẳng giấu gì tiên sinh, ấy chính bộ phận các quan lại. Đặc biệt là chức quyền càng lớn, các ngài lại càng yêu tranh Tổ Sư.

Tò Mò suýt xoa:

Thú vui tao nhã và minh triết quá. Thế chẳng hay vì đâu bác không vẽ tranh các vị khác nữa, để khách tha hồ chọn lựa?

Thưa, chẳng phải thế. Ban đầu tôi vẽ cũng nhiều, song chẳng bán được gì ngoài tranh Tổ Sư. Sau mới biết các quan tôi không chỉ chơi tranh, mà còn thực hành theo công phu Diện Bích Thiền của Tổ Sư một cách rất ư nghiêm nhặt nữa.

Không gì đáng khâm phục hơn. Khi nào về Nhật, tôi sẽ công bố sự kiện này. Chẳng phải giới quan lại ở qúy quốc đây đã tìm thấy điều tâm đắc của Thiền đến thế ru? Nước Nhật xem ra chữ Tâm còn kém cỏi, thua xa, thật đáng hổ thẹn.

E tiên sinh nhầm rồi: Các quan tôi đây chẳng phải vì cái chữ Tâm ấy chút nào đâu.

Xin lỗi bác nhé, nhầm sao được? Cứ tưởng tượng xem, một người tọa Thiền nhiệm nhặt, quay mặt vào vách hàng mấy chục năm, mảy may không động tịnh, thời còn có thể vì điều gì khác nữa chứ?

Chẳng giấu gì tiên sinh, chỉ e tiên sinh không thể lãnh hội điều tôi sắp nói đây: Quả thực các quan tôi chẳng phải vì cái chữ Tâm trừu tượng, phù phiếm kia đâu, song chỉ vì cái ghế cụ thể các ngài đang ngồi đó thôi. Hẳn tiên sinh đây không thể tưởng tượng nổi: Nếu các quan tôi chẳng luyện cho thành cái công phu Diện Bích Thiền nọ, thời các ngài có nguy cơ mất ghế như chơi. Số là, các ngài đã truyền tâm ấn cho nhau một kinh nghiệm vàng ngọc, là hễ cứ càng ngồi cho ngoan, càng im re rẻ rè re, đừng nói đừng làm gì, thời lại càng tuyệt diệt được cái khả năng sai phạm, chấp trước, và nhờ thế, càng được yên thân, chỉ việc chờ chuyển lên những cái ghế cao hơn; ấy mới chính là lí do khiến các ngài đặc biệt ham chuộng công phu bí quyết của Đạt Ma Sư Tổ. Chẳng giấu gì tiên sinh, có một ngài nọ, chẳng những đã mua, mà còn mua cả đến những một trăm bức chân dung, nghe đâu để treo khắp mọi nơi, trong nhà cũng như ở cơ quan, hầu tâm trí lúc nào cũng được thường xuyên nhắc nhở, không hề xao nhãng khỏi con đường đã vạch.

Nghe vậy, Tò Mò Tiên Sinh chỉ còn biết vội vàng rút bút ra mà ghi ghi chép chép cẩn thận vào cuốn sổ tay Nghìn Lẽ Một Điều Kinh Rị Cũa Thế Kỹ.
.
.
.
.
.

No comments: