.
TRUYỆN
.
DỊ MỘNG
Đã quá nửa đêm, khi chị thức giấc, sải tay sang cái gối trống bên cạnh và chợt hiểu, thế là hết. Đêm nay nữa là ba, hắn không về. Thế là hết thật. Chị nhủ thầm, khẽ trườn mình, với lấy cái bật lửa gaz trên bàn ngủ, đốt điếu thuốc, xong, nằm trở xuống, ngửa mặt lên khoảng không tối đen, ngắm nhìn cái đốm lửa đỏ rực , lẻ loi...
Giờ này hắn có thể ở đâu? Với một vị nạ giòng hung hãn nào? Hay một nữ sĩ hớn hở nào? Hay trong một gay bar lãng nhách nào dưới thành phố? (Cũng chưa chừng!) Mọi hình dung đều chẳng khiến được chị chau mày một cái. Tất cả đều rẻ tiền và đáng thương như nhau. Chị chả ghen đâu. Ghen với những của như thế thật lố bịch. Vả, đã hết rồi một thời để ghen.
Dù sao, chị bất giác nhận ra điều này: Chị đã cần hắn xiết bao!
Vâng, chị đã cần hắn xiết bao. Tự hỏi, không biết có phải chị đã quá ảo tưởng? Ở hắn có điều gì hay hớm lắm đâu? Chao, chị cứ ngỡ, đã đoạn tuyệt với mọi thứ ảo tưởng, kể từ khi được xem là trưởng thành.
Ngày xưa chị từng có một ông bố đoảng vị, sau nửa đời miệt mài phấn đấu đã chẳng sắm sửa được lấy điều gì ngoài một món sĩ diện hão. Có lần ông đã giáng cho chị một tát tai quá đỗi long trọng chỉ vì chị mặc đồ ngủ mà lại ra đứng ở bao lơn vào buổi chiều. Và, cho cái tinh thần giáo dục ấy, ông đã phải trả giá: Sức nặng của mớ giáo huấn phong kiến của ông đã được nhấc khỏi cuộc đời chị khi nó chỉ vừa kịp còn lại, dưới một góc độ nào đó, là một tuổi dậy thì trễ muộn nhưng mãn tính. Được cái, chị giác ngộ sớm hơn bố rất nhiều, mặc dầu ban đầu chị cũng đã gắn bó hào hứng với biết bao ảo tưởng, thậm chí đã từng trải nỗi tự trọng vô bờ bến của một kẻ không đẹp mà không hề biết mình không đẹp; khi đột nhiên phản tỉnh, chị đã lên cơn mê sảng suốt ba ngày liền, sau đó mới bắt đầu tạm gọi được là trưởng thành. Ấy thế mà lần này...
*
Quả thật ở hắn, chả có gì gọi được là hay hớm lắm đâu, nếu không muốn nói trắng ra rằng, chỉ toàn thói xấu, mà trên hết cả là nỗi đam mê khủng khiếp dành cho hai thứ này: Dos, và cà pháo.
Vâng, hắn mê cà pháo, có lần ăn hết mười một, mười hai vại cà, buổi chiều lại cao hứng đi dạo phố, thế là, pháo cứ làm cái công việc của pháo, còn hắn thì nhợt nhạt đi vì đau khổ và cáu giận.
Mà thôi, cái đó hãy xem như chưa đến nỗi. Nhưng còn Dos? Để làm gì vậy? Sao mà chị kinh tởm cái hố thẳm hắc ám ấy đến thế. Chẳng lẽ người ta phải lặn lội xuống đấy mới vén mở được thông điệp của tồn tại địa cầu? Không, bốn mươi tuổi, chị chưa một lần đọc Dos.
*
Nếu ngay từ đầu, tỉnh táo hơn, chị đã làm gì?
Lẽ ra chị đã chả nên thả mồi bắt bóng. Hắn đến với chị, như một gáo nước lạnh, khiến chị rùng mình choàng dậy, tự nhủ thế là yêu, rốt cuộc lại ra thế này. Còn con quỷ quý hoá mười phần có thật kia, chị lại lạnh nhạt, thờ ơ. Lỗi chẳng ở ai?
Nhắc đến chuyện, chị không thể không thở dài.
Con quỷ, - một chủ thể tồn tại thật sự, nhé, chứ chẳng phải chỉ khiêm tốn là bản sao năng lượng của một cha vơ chú vẩn nào, - những năm trước, nó đến, và đứng ở cửa sổ phòng chị mỗi tối, nhìn vào, huýt sáo, tặc lưõi, mắt long lanh hăm hở, thật trâng tráo, thật mày trơ trán bóng. Cái kẻ không mời ấy còn là một exhibitionist chính hiệu: Mỗi lúc đứng đấy, nó lại lẳng lặng trưng bày cái dụng cụ tạo hình mà kích thước rất có thể làm mất trí những kẻ nghèo tưởng tượng. Vào thời mà nó còn quyết liệt đeo đuổi chị, thì ngoài cái nghiệp chính là đi tuyển mộ những linh hồn béo bở cho thực đơn của địa ngục, nó còn kiêm thêm một nghề phụ, tay trái: dòm lỗ khoá. Đã đành mục tiêu cơ bản vẫn là những cô gái chưa chồng, song nó cũng không việc gì phải lơ là các mệnh phụ nạ giòng, thờ ơ những kẻ ế ẩm, hay sao nhãng các bà goá. Những điều trông thấy qua những lỗ khoá ơ hờ của người đời đã khiến nó rộc rạc cả hình hài, vêu vao từ đầu chí đuôi; một dạo nó ốm đến mức " có thể nhìn cùng lúc bằng cả hai mắt vào một lỗ khoá", ấy vậy chẳng có gì lay chuyển nổi lòng tận tuỵ yêu nghề của nó hết (và chuyện ấy nhiều năm sau người ta vẫn còn nhớ để kể lại, như một tấm gương, chưa hẳn đã mang ý nghĩa xấu!)
Sự thật, nó cũng có nhiều khả năng, chẳng hạn, hễ gặp phụ nữ, - bất kỳ ai, bất kể già trẻ, đẹp xấu, - thân nhiệt nó sẽ tự động giảm ngay 2oC. Cũng lại chẳng hạn, nó biết rất rõ tình yêu ai có bản chất sóng hay hạt, chân giường nhà ai phải thay 365 cái trong một năm, cửa sổ buồng ngủ nhà ai quay hướng nào, thói tật kèm âm thanh mỗi người lúc khoái ngất, màu da màu tóc và những thứ giống tóc, cũng như nồng độ hormone, - cơ sở hoá học của tình yêu, - ở mỗi người, cùng là bao điều nhảm nhí khác, nhảm nhí đến chóng mặt... Người ta cứ rỉ tai nhau rằng "con quỉ thế này", "con quỉ thế kia", song ai nấy vẫn công nhận nó nom cũng chẳng đến nỗi nào; chỉ có điều riêng chị không hề thấy xúc động, thế thôi. Điều đơn giản là chị, trong giai đoạn đó, chưa thể cảm thông với cái nhu cầu bức thiết phải xuất khẩu vài phân khối chất nhầy của người ta, bức thiết đến độ có thể hy sinh hết thảy mọi sự, có khi kể cả thanh danh từng khổ nhọc tích cóp một đời; và chị, hẳn đã tỏ thái độ khinh miệt con quỷ ghê gớm, kết quả là lòng tự trọng của nó bị xúc phạm đến mức đã quyết định vĩnh viễn rời bỏ cửa sổ của chị. Để đi đâu? Chẳng phải cất công tìm hiểu, tiếng lành đồn xa đủ cho chị biết, ngay sau đấy, nó đã đến với một cô bạn gái, từng là thân thiết nhất thời đi học của chị, còn lúc này đây đang được biết đến như một nữ sĩ thời danh.
Chị không có kết luận riêng nào, thế nhưng người ta thì đã kháo nhau, dù chỉ ngấm ngầm thôi, rằng cô bạn nọ của chị thật có phước có phần. Cô đã hoàn toàn lột xác kể từ ngày gặp được người bạn đời lý tưởng: Nếu như trước kia ai cũng nhầm cô với một bà cụ non, lúc nào cũng hoài nghi hạnh phúc có thật hay không có thật, và không gì ngăn cản nổi cô, với mớ kiến thức hàn lâm của hệ mười năm, được bổ sung thêm cái khẩu khí đao to búa lớn du nhập đâu từ bên kia những cõi bờ Tây Á, thiếu hẳn vẻ duyên dáng và trung thực, đã hăng hái trèo lên cái chiếu văn (nghe nói đã hàng ngàn năm tuổi thọ) để phá bĩnh một cách ồn ã, nhằm giải sầu, thì giờ đây, cho cô, chân lý đã thị hiện, chân phúc đã chín rõ mười; người ta kể lại rằng, suốt đêm tân hôn, cô dâu đã cười khanh khách với một âm lượng không đổi là 116 décibel. Hạnh phúc đây rồi, được tìm thấy cụ thể trong một không gian xác định, - cái "mặt phẳng chữ nhật có bốn chân" ; được đo lường cụ thể bằng một hệ số xác định, - 116 ; với những đơn vị xác định, - décibel! Kể từ sau đêm ấy, cô trẻ lại và duyên dáng hẳn; giấy bút đối với cô không cần thiết nữa, cô đã bỏ rơi chúng đến mốc meo trong một ngăn kéo bàn.
*
Điếu thuốc sắp tắt trên tay chị đã được thay thế bằng một điếu thuốc khác. Cái đốm lửa vẫn đỏ rực giữa khoảng không tối đen, nom như một vì sao lẻ loi; chị như con tàu vũ trụ, du hành đến bên nó, ngắm nhìn, và thấy nó lẻ loi khôn xiết...
Nếu có gì tôi sẽ đánh điện. Câu nói nhỏ nhẹ đó của hắn lúc này bất thần tái hiện trong đầu chị, như một tiếng vọng bàng hoàng. Một bức điện? Chị khẽ mím môi. Chẳng để làm gì nữa hết!
Điều gì đã làm bất ổn cuộc sống chung giữa hai người? Tại sao họ đã không thể dung nạp được nhau? Chị nghĩ, chẳng phải do tuổi tác chênh lệch (hắn kém chị hơn một giáp). Ờ,... chủ yếu chỉ có thể là do dị biệt của nhận thức. Vâng, thử nhìn lại mà xem: Ở nơi nào chị cho là hanh thông thì hắn chỉ tìm thấy bế tắc; ở chỗ nào chị cảm giác thoải mái thì hắn lại nghe như tù hãm; ngay vào lúc chị hy vọng sẽ thịnh đạt thì hắn cứ linh cảm rằng phá sản; bất kỳ ai chị thán phục là sâu sắc thì hắn sẽ nhìn ra là đần độn, vô nghĩa; bất cứ điều gì chị tin tưởng là đời đời kiếp kiếp thì hắn lại đinh ninh chỉ là yểu mệnh, phù vân; và, cố nhiên rằng ngược lại! Bác sĩ đã hơn một phen cảnh cáo, họ sẽ phải gánh lấy hậu quả xấu nhất do tình trạng, sẽ phải chia đều nhau chăn dắt đám con cái của nết cáu bẳn: bệnh thần kinh, trĩ, dạ dày, và cao huyết áp,...vâng, chia đều, chẳng tránh đâu khỏi.
Thế, hắn lại có ý tránh né: Có những lúc đi về thất thường, có những lúc giam mình trong thư phòng với một nỗi đam mê đến quên cả sự có mặt của chị trên thế giới. Ban đầu, không nhìn thấy gốc rễ của sự việc, chị đã giận dữ, thậm chí còn ghen được (chao, cơn ghen giữa một tuổi dậy thì trễ muộn nhưng mãn tính!). Sự việc chỉ cần lặp lại lần thứ hai là chị không nhịn nữa, và bắt đầu lên cơn dằn dỗi, vật vã kinh khủng. Chỉ tội nghiệp cho những chuôi dao, những cán chầy, những cổ chai, những đầu kèo, góc cột, - tất cả những gì tình cờ đồng dạng và có khả năng gợi liên tưởng, tất cả những vật thể nào tình cờ có tiết diện tròn hay gần như tròn, miễn đường kính đừng quá năm phân, - đã trở thành phương tiện cho một cơn báo oán cao cấp; cứ mỗi ngày người tớ gái lại ra sức lau chùi cọ rửa những lớp nhầy, có hôm mầu vàng nghệ, hôm mầu rỉ sắt, bám chặt lấy chúng. (Được cái chẳng bao giờ cô bé ta thán.)
Bác sĩ không nói thêm gì nữa, song chị cũng tự biết mình ghen không đúng phương pháp. Chỉ qua một vài cơn, chị đã xanh xao quá. Phải cứu lấy mình thôi, cuối cùng chị nghĩ. Chẳng ai bằng mình thương mình. Một bà cụ kinh nghiệm đã chỉ cho chị cách chữa chạy, và mặc dầu đã ngán ngẩm hết thẩy các phương thuốc, chị cũng vẫn ngoan ngoãn thí nghiệm cả đến cái công thức phức tạp nhất, kết hợp đông tây kim cổ, nhằm đặc trị bệnh ghen, cái thói người ta thường tình ấy, như sau: "Gan bẩy con ruồi đồng tính ái, Mỡ chín con muỗi cái lesbienne, Mười ba dơi goá vô duyên, Với dăm con kiến từ miền nhiêu khê...", đồng thời ra sức vô hiệu hoá thời gian tâm lý bằng cách đọc dài ngày các tác phẩm khó đọc nhất (ngoại trừ Dos!), trèo cả lên những đỉnh cao triết luận y học cũng như sử học, chẳng hạn "Lại bàn về nọc độc của Rắn", "Đông Dương Hồi Giáo Bí Lục", vân vân. May mắn thay, bệnh tình chị có thuyên giảm...
Dù sao, dần dà, chị cũng kịp nhận ra điều cốt lõi này, ấy là, họ vốn không thể sống hoà thuận chỉ bởi lẽ cả hai đều hiểu biết, song mỗi bên lại một lối: Kẻ Lão, người Khổng, kẻ Kim Dung, người Gorky; kẻ Krishnamurti, người Marx;... mà trên hết cả là điểm mâu thuẫn dị hợm này; Kẻ nghiện Dos (và cố nhiên, cà pháo nữa, - vâng) còn người kia thì lại không. Theo chỗ chị nhớ, phải có không dưới một tá danh nhân đã xen vào và làm xáo trộn cuộc sống gối chăn giữa hắn với chị, và trên lý thuyết, cái giường của họ không phải chỉ dành cho hai vợ chồng, mà có bận nó phải cưu mang thêm ít nhất hai chục tên tuổi lẫy lừng nữa, đồng sàng nhưng dị mộng.
Công bằng mà nói, phải đâu họ đã không cố gắng để hoà giải! Dự định, chị và hắn sẽ ra bãi biển để hàn gắn vết rạn; họ sẽ ăn cháo cá thu, sẽ đi dạo dưới bóng mát của những rặng phi lao. Song, chuyện đã hoá hư hỏng chỉ vì hôm ấy biển động, không có cá thu, còn hàng phi lao đã bị cháy rụi từ mùa nắng những năm nào, chỉ còn lại bờ cát với những làn sóng hung hãn bất tận. Thế là họ tuyệt vọng. Biển động, hoả hoạn, và hàng tá danh nhân, - có đúng thế không, quá nhiều đe doạ cho một cuộc tình!
*
Sự thể nhất định sẽ khác hẳn, nếu như chị đã bằng lòng con quỉ tội nghiệp kia. Vâng, nhất định. Con quỉ, nó chẳng đọc gì cả, ngoài những phụ trương lá cải, những đặc san về hôn nhân và tình yêu, những tiểu thuyết hình sự, những mẩu tin "trong nhà ngoài phố", "xe cán chó, chó cán xe", hay những tạp chí bàn về Kungfu. Món ăn cao cấp nhất của nó dường như là những loại reader's digest chuyển ngữ. Và nó hoàn toàn tự phụ; về những kiến thức loại này, nó có cả một kho báu! Nhưng đã sao? Trong trường hợp như thế, chị nghĩ, dẫu cho có xẩy ra bi kịch đi chăng nữa, thì cũng là một bi kịch dễ thở; còn hơn đàng này, hiển nhiên là một hài kịch ngạt thở. Đôi khi chị đồng ý với hắn: Thà sống trong bi kịch suốt, chứ hô hấp mãi bầu không khí hài kịch theo kiểu này khó ai kham nổi; có cái gì xúc phạm ghê gớm đến đức nhẫn nại của con người, cũng như dầy xéo, chà đạp ghê gớm nhân phẩm của họ.
*
Bốn mươi tuổi, chị chưa một lần đọc Dos. Lúc này chị mới bất giác hiểu ra ý nghĩa của sự kiện. Có lẽ đọc Dos, chị đã hiểu hắn hơn, hay ít ra cũng đã sớm tư lường được buổi tối hôm nay. Hắn từng bảo, hãy thương xót con quỉ, - mọi con quỉ. Mà điều ấy sẽ khó xiết bao, nếu không đọc Dos. Hắn cũng bảo, hãy hiểu con người. Mà điều này cũng lại là nửa vời thôi, nếu không đọc Dos. Cũng lại bảo nữa, "hãy biết chính mình", và một lần nữa, nếu không đọc Dos, cơ may sẽ hiếm hoi gấp bẩy lần.
Nhưng mà không, chị khẽ lắc đầu, sẽ chẳng có dịp nào nữa để chị đụng chạm đến cái tên gọi đó, chẳng có dịp nào nữa để chị xét lại chuyện hạ cố lặn lội xuống cái hố thẳm ấy, dẫu rằng từ đây cho đến tận cùng của các thế kỷ, mọi thông điệp của tồn tại địa cầu cứ việc niêm kín như bưng trước hai con mắt đã quầng thâm của chị. Tất cả những điều ấy đối với chị bây giờ, theo một nghĩa nào đó, đã muộn lắm rồi.
Thế là hết thật. Chị nhủ thầm một lần nữa, thờ ơ ngắm cái đốm lửa lẻ loi sắp lụi tàn...
*
... Gần sáng, chị đốt điếu cuối cùng của gói thuốc lá, và chỉ ngồi dậy khi người tớ gái đã rón rén chuồi vào dưới cửa phòng một mẩu hình chữ nhật mầu trắng. Bức điện! Chị cúi lượm, nhưng không mở đọc. Chị hiểu nó nói gì. Vo nát chậm rãi trong lòng bàn tay, chị ra đứng ở cửa sổ, tì trán vào khung kính đẫm sương lạnh, nhìn xuống buổi sáng bao la...
Bùi Hoằng Vị
Saigon, 09/1991
Saigon, 09/1991
1 comment:
Đã in trong tap truyen ngan TANG TRET THIEN DUONG (nxb TRE/tpHCM 1995), Tap Chi VAN HOC & DU LUAN (Nhat Tuan chu bien), Tap Chi CUA VIET (Hoang Phu Ngoc Tuong chu bien), Tap Chi HOP LUU (Khanh Truong chu bien), va Website Thuy Khue (http://vannghe.free.fr/buihoangvi/tttd/index.html)
Post a Comment