Sunday, November 23, 2008

.
.
TRUYN
.




TRONG HỒI ỨC THÁNG BA




Sau khi hắn biến mất, người ta đã trao lại cho cô ấy đứa con và một số trong những trang ghi chép của hắn. Cô ấy đọc.
Thứ Hai, ngày...

Tháng Ba. Có hai người lạ đi qua chỗ tôi ngồi cùng trong một buổi chiều, bảo: Thành phố đẹp. Thằng bé, đang chơi trước sân, bỗng cười toét, giơ tay vẫy mãi, ngay cả đến khi họ đã đi khuất rồi. Nó hỏi: Họ không phải E.T. chứ, hả bố? Tôi trả lời không.

Thành phố đẹp? Ồ, cố nhiên là thế rồi. Nhưng sự thật, có thể tưởng tượng không, từ sau Thứ Tư Lễ Tro, nó đã đi thẳng vào Mùa Chay trong bầu không khí oi bức kinh khủng. Đến mức, mọi ý thức bị phân đoạn vụn vặt. Mọi hồi ức, mọi cơn mơ đều thế; chả làm gì có được một mẩu nào ra đầu ra đũa, thật đấy. Những giòng ghi lại đây cũng hiển nhiên là thế, khó tìm được một mẩu ý nghĩa nào trọn vẹn nghiêm túc, thật đấy. Nhưng dù vậy, cũng chẳng sao, chẳng có gì quan trọng. Tôi viết, là viết, thế thôi.



Thứ Năm, ngày...

Tôi đang nói gì nhỉ? Thành phố nóng? À vâng. Tôi sẽ chỉ nói về điều này thôi. Nóng. Vẫn biết mặt trời thật là của tháng Tư cơ, nhưng tháng Ba mà đã thế này thì thật kinh khủng quá. Mồ hôi bài tiết 24/24. Còn quạt thì không ngơi tay. Dường như năng lượng, tích cóp được từ những khẩu phần đạm bạc của con người, đã chỉ được tiêu dùng vào mỗi việc phe phẩy, hay phành phạch, cái quạt trên tay. (Người ta bảo: chẳng còn thừa lấy một mảy hòng để dành vào việc thúc đẩy lịch sử cho nó nhích lên được một bước.) Những cơn dông, kể cũng có đấy, nhưng vờ vịt; những đám mây đùn lên vờ vịt vào chiều hôm, có khi xế trưa, song chỉ qua một khoảnh khắc đã mất tích như chưa hề có mặt trên đời. Chà, tất thảy chỉ là vờ vịt thế thôi, chẳng điều gì là thực sự có ý nghĩa, thật đấy. Chỉ tổ oi lại càng oi.

Tuần rồi cứ mỗi ngày có một đám mây kịch liệt đùn lên trên nóc thành phố, đỏ chói lọi, thành một gã khổng lồ hai mắt sáng quắc. Gã chẳng mặc gì. Dù sao, chẳng ai hy vọng gã sẽ làm ra mưa.

Cũng tuần rồi, thằng bé bỏ chơi. Nó vào nhà tắm, chọn lấy cái lu nước lớn nhất, ngâm mình vào đấy, và quyết định không bao giờ ra nữa; chỉ dặn: Khi nào E.T. đến thì bố gọi con. Tôi ừ.




Chủ Nhật, ngày...

Cô ấy gửi lời thăm con. Đã lâu cô ấy không có thư từ gì. Hẳn lại mất ngủ.


Đôi khi nước mắt cô rơi xuống những dòng hắn viết. Giá như ngày đó cô đã chẳng từng biết hắn thì hơn.
*

Ngày đó, người ta không hoà giải cho bố mẹ cô nữa. Gia đình ấy xem như đã hết biện pháp rồi. Trước đây lâu lắm, bố mẹ cô đã từng ly thân; người mẹ, một người đáo để, không buồn nhiều, chỉ lẳng lặng gom hết sách vở của chồng (được đâu không hơn một tuyển tập), mướn gánh đổ xuống ao, ao có mùi tanh suốt một ngày. Gia nghiệp của bố chỉ đáng đổ xuống đấy. Bà bảo. Ở ông ấy chỉ có hai cái vĩ đại: khổ hạnh, và kiêu căng.(Con phải nhớ, đấy là đặc trưng của những người chỉ đọc một quyển sách). Mẹ không cần những thứ ấy. Mẹ cần những thứ khác.


Ở với mẹ, cô quen chia sẻ nỗi đau của mẹ, một nỗi đau lớn của thế kỷ, - nỗi đau siêu hình,... Mãi về sau, gần đây, trong một hoàn cảnh hoàn toàn khác, bố mẹ buộc phải tái hợp, cô gánh thêm một nỗi đau biện chứng nữa, của bố, cũng lại một nỗi đau quan trọng khác của thế kỷ. Hai vai nặng trĩu, cô không trở thành nhà thơ lớn, mà lại đâm ra mất ngủ kinh niên. Để giết thì giờ, và cũng để đừng ngã bệnh, cô phải tự ép mình vào những công tác bận bịu dù vô nghĩa. Suốt một dạo, cô mải mê lập danh sách Những Sự Vật Và Sự Việc Không Có Khả Năng Tồn Tại Đến Năm 2000; có hôm mẹ hỏi, đã điền tên bố vào đấy chưa, cô bật khóc. Cả tên mẹ nữa. Bà lạnh lùng. Mẹ cũng không có ý định tồn tại đến năm 2000. Ấy là một thời kỳ màu xám tro. Cô vẫn kể.

- Bà phải hiểu, nó bệnh là tại ai. Biết cho lắm vào, cũng chẳng để làm gì, là thế đấy.

- Lỗi ở tôi à? Suy dinh dưỡng quá, cũng chẳng ai ngủ được, thưa ông. Tôi rất muốn biết, đến bao giờ ông mới thôi tâm niệm gìn giữ cho tinh tuyền nền văn minh tổng hợp từ hai hệ Oryza sativaIpomoea aquatica của ông, thể hiện trong thực đơn mỗi ngày của cái gia đình dở tu này.

Cô ấy nghiêng hẳn về bên mẹ từ lúc nào. Bố, không hiểu bởi sĩ diện, hay bởi chứng xơ não, hay bởi lòng tốt đối với người đã khuất, đã nhất thiết từ chối xem lại, dẫu cho vừa rồi, choàng tỉnh từ những giấc mộng thiên đường dữ dội (hay những cơn suy nhược thần kinh tập thể dữ dội, thì cũng thế), ông đã tận mắt bắt gặp đang hoành hành, còn dữ dội hơn, những cơn đói thực phẩm đủ loại, cũng như hàng tiêu dùng và quần áo may sẵn đủ loại.

- Ông xem đấy, bị tống cổ ra bằng cửa lớn, thiên nhiên, sớm hay muộn, cũng tìm được lối trở vào bằng cửa sổ, có đúng thế không?

Dù sao, ông cũng rằng không. Ấy vẫn còn là một thời kỳ màu xám tro. Còn tôi, thì mất ngủ lại hoàn mất ngủ. Cô bảo. Và ấy cũng là trước khi gặp hắn.
*

Một ngày tháng Ba, cô gặp hắn. Bấy giờ, cũng mùa viêm nhiệt, hắn đang bệnh. Vâng, vào những mùa như thế này, không thể không bệnh (trừ ra là khoáng vật). Ai cũng bệnh một cái gì đấy: Tai mũi họng hay dạ dày hay tâm thần hay da liễu hay ung bướu hay kiết lỵ.... Vâng, - bất cứ, miễn là một cái gì đấy, trong cơ thể, phải lên tiếng, để nhắc nhở ý nghĩa nghiêm túc của tồn tại, để chứng minh tồn tại không phải trò đùa. Riêng hắn, lở loét, mụn nhọt toàn thân, miệng hôi hám như thế có bẩy con quỉ cùng ngồi vào đấy.

Thế, cô ấy đến, nhìn và bảo: Tôi rất thích anh (hay một câu gì đấy tương tự). Chẳng ai buồn giải thich tại sao cô đã chọn lựa như vậy. Khi người ta thích, là thích, thế thôi.

Ngay hôm ấy, cô quyết định ở lại, chăm sóc hắn. Công tác này cũng bận bịu, lại ít vô nghĩa hơn cả. Tôi cứ nghĩ, ấy sẽ là một thời kỳ mầu hồng. Sau này, cô còn kể.
*

Thứ Tư, ngày...

Bác sĩ bảo tôi lại có vấn đề. (Chẳng có gì đáng ngạc nhiên hết. Mùa nóng nào chả thế) Tôi sẽ không gặp ông ta nữa. Tôi biết tôi rõ hơn bất kỳ bác sĩ nào.




Thứ Sáu, ngày...

Đêm qua, ông già cũng về. Con Mực vụt nhẩy khỏi mặt bàn, đứng ve vẩy đuôi, làm ra vẻ rất ngoan, chẳng hề biết thế nào là ăn vụng. (Dạo còn sống, hẳn ông già đã gầm lên: Tao phải gọi mày là cái con gì?) Bây giờ, ông chẳng buồn nói nữa, chỉ lặng lẽ đi đứng, lặng lẽ ngồi, hay nằm vào những chỗ ông đã ngồi, đã nằm trước kia, không gây một tiếng động. Hãn hữu lắm, người ta mới nghe tiếng cỗ bài được xào lách tách ở trong phòng, chỗ cái bàn (lại còn tiếng cười ha ha, một mình) Những lúc ấy, hẳn ông bị kích động mạnh, chẳng còn lý do gì để uý kỵ nữa? Hôm qua, cũng thế, ông đi quá giới hạn của mình. Tôi hỏi: Oi khiếp, phải không bố? Nhưng ông già không trả lời. Có thể nào không, ông ấy cũng chẳng ngủ được, vì nóng?


*

Hắn chả khác mọi người điểm gì, ngoài những đam mê tai hoạ. Nhưng ông già thì thất vọng. (Vâng, trừ cái nết tận tuỵ dành cho cỗ bài năm mươi hai lá ra, ở ông chẳng có điều gì đáng phàn nàn nữa hết!) Thằng này hỏng. Ông càu nhàu thế.


Xưa còn học phổ thông, hắn đã một phen bị ném khỏi lớp chỉ vì thích làm thơ hơn làm bài. Thơ hắn ngày đó không vần, nửa lê thê, nửa cộc lốc, chẳng hạn: Tháng Ba,... đầy rẫy gái ăn sương, chi chít bệnh nhân tâm thần và nhà thơ; ai cũng có thể làm thơ, sáng tác vùn vụt và làm ngập lụt mau chóng các kệ sách ở thư quán hay vỉa hè, lề đường... Oi ả khủng khiếp. Anh thì mỗi ngày đi về hai bận qua Toà Án, ở đấy, tình cờ trong suốt cái tháng khả ố này cũng kéo dài một phiên toà xử một tên ăn bám nào đấy (hay một đầy tớ vô tích sự nào đấy, của nhân dân), mà những câu đoạn vô nghĩa được phóng thích liên hồi đến tận tai khách qua đường... Tháng Ba, thành phố không còn thuộc về ai, không còn là của ai nữa cả. Những cái xe chạy rông sưu tầm những con chó chạy rông. Anh đạp lững thững sau xe, nhìn qua chấn song, ngắm những con chó mặt mũi đầy vẻ hiểu biết... Tháng Ba, vũ trụ oi ả khủng khiếp...


Chỉ sau khi bị đuổi học hẳn, hắn mới ngờ mình không phải là thi sĩ. Dù sao, chưa muộn để bắt đầu trở lại. Hắn còn trẻ, năng lực sáng tạo được kể là vô tận. Lần này, không phải thi ca, mà cơ khí mới là điều được quan tâm; hắn mầy mò, bỏ công sức ra, khổ sở đầu tư suốt một năm ròng, kết quả cho trình làng một cái xe tân kỳ m căm, n đinh ốc, p mắt xích; hôm đẹp trời nhất, chạy khánh thành tua đầu tiên, đã tan tác, văng toé một trận mưa ngoạn mục vào m ngả, n ngõ hẻm, p nhà, (vào cả bát bún một phụ nữ đáng kính, làm sặc ra nguyên vẹn một cái vòng mắt cừu, chả ai giải thích được, bằng cách nào đã nghịch hành lên tận thực quản của bà.)

Sau vụ đó, ông già có tế cho hắn một trận (cũng chẳng ai buồn can). Để tạm giải khuây, hắn quyết định đi du lịch khắp năm châu, bằng cách ngồi lì trong phòng và dán mũi vào màn ảnh truyền hình, quyết tâm lịch lãm chuyện thế gian qua cái không gian hai chiều tinh thể lỏng. Lần này nữa, hắn cũng suýt thành công, nếu không bị tháng Ba nọ đốn ngã. Vâng, có ai ngờ được không, đùng một cái, hắn bỗng lở loét, mụn nhọt toàn thân, miệng thì hôi hám như thể có bẩy con quỉ cùng ngồi cả vào đấy...
*

Thứ Bẩy, ngày...



Gã khổng lồ ấy vẫn đúng hẹn mỗi ngày, nhưng nhất định không làm mưa. Gã đến, dường như chỉ để đóng góp thêm một ít cho thi pháp của thành phố. (Mà thành phố này đâu có thiếu thi pháp? Đã khối kẻ tham gia củng cố cho nó, dù chỉ là vô tình. Thật đấy, chẳng hạn, dù đãng trí đến thế nào, người ta cũng không thể quên mình đang ở đâu, chỉ cần kịp thời bắt gặp một nam công dân hay một nữ công dân nào đấy, đang ghếch chân lên bờ tường hoặc ngồi xổm xuống lề đường, làm cái việc chẳng có hiến pháp nào ủng hộ, với vẻ mặt hồn nhiên khôn tả, nhắc nhở mọi người cái chân lý tối thượng này, ấy là: "Sự Sống trên hết, Sự Sống siêu vượt mọi định thức, mọi luật tắc", và ấy mới thật sự là cốt lõi của một nền văn minh nhiệt đới, một nét duyên ngầm,- Thi Pháp Lớn, cho một kinh thành nhiệt đới.)




Chủ Nhật, ngày...

Buổi trưa, có mười ba giọt mưa rơi xuống hiên nhà tôi, thành mười ba ngôi sao mầu xanh lục, nằm thoi thóp chừng nửa phút, rồi biến mất. Lúc ấy, chưa đến hai giờ.


*

Thời kỳ mầu hồng của cô thế là đã khởi sự song song với thời kỳ chữa bệnh của hắn, và theo cô, ngay sau đó, nó đã bị ngả sang mầu hổ phách, bởi các thứ nước thải sưu tập được từ đủ loại người mà hắn dùng để xoa bóp lên khắp thân mình. (Cô tuyệt không nhớ, liệu pháp này đã được hắn nghiên cứu tự bao giờ). Cứ mỗi ngày cô phải hâm đi hâm lại ít nhất hàng mươi bận các món tiên dược ấy trong những cái thố nhỏ xinh bằng sành, rồi đem vào tận nơi cho hắn, (dạo đó hắn, cũng chẳng khác thằng bé sau này, đã chọn lấy một góc trong nhà tắm, vừa là nhà vệ sinh luôn thể, để cầm cự với tháng Ba) mặc cho ông già (nếu chưa kịp đi đâu vắng), cứ đến những giờ nhất định của ngày lại tha hồ gầm gào ngoài cửa, tha hồ ghét cay ghét đắng cái kẻ đang chiếm độc quyền ngôi báu ở trong. Vâng, mặc. Hắn phải khỏi bệnh, bằng mọi giá.


Cô sẽ không bảo hắn ích kỷ. Không. Lẽ đơn giản là ngay cả trong cách thức chữa bệnh này nữa, cái thói đam mê của hắn cũng phải được nhất thiết bộc lộ, thế thôi. Chỉ tội nghiệp cho tuần trăng mật của hai người, hoá ra đã phải tiến hành ở một địa điểm chẳng lấy gì làm thơ mộng hết. Mầu hổ phách. Rất đúng. Ấy chưa kể nỗi oan khiên mà khứu giác cô phải chịu. Nó thì không mầu, đành rằng thế.
*

Thời gian cô thình lình vắng nhà đã dài hơn mức bình thường, làm bố mẹ phải xô đi tìm suốt. (Suýt rao cả trên báo, đài.) Dù sao, người ta cũng kịp tìm được cô trước dịp kỷ niệm lần thứ hai mươi lăm ngày cưới của hai ông bà. Hôm ấy, cũng vừa hết mùa viêm nhiệt. cánh cửa nhà tắm của hắn mở hẳn, chẳng cần ông già phải tốn hơi gầm gào. (Vả, ông cũng còn đang bận bịu ở đâu đó, chưa về.) Họ cùng bước ra: Hắn, - đã đỏ da thắm thịt lại, còn cô, thì lẽ cố nhiên, tự hào quá sức. Nhưng mà, kìa, bố của cô, chẳng hiểu tự bao giờ, đang đứng đợi ngay cửa, đằng đằng như Số Phận:

- Đi về. Ông rít lên. Làm nhục ta thế là đủ rồi.

Cô, bất ngờ quá, đã chẳng phản ứng gì được hết, chỉ tái nhợt, lẳng lặng bước theo bố.

Như vậy đó, tôi đã giã từ cái thời kỳ mầu hồng sớm ngả sang mầu hổ phách, cùng những cái thố sành nhỏ xinh, để quay về với mầu xám tro nguyên thuỷ của mình. Vâng. Và mất ngủ, lại hoàn mất ngủ.

Về đến nhà, cô lẳng lặng vào buồng riêng, khoá trái cửa, giở đến danh sách Những Sự Vật và Sự Việc... hôm nào còn đang soạn thảo dở dang, lẳng lặng liệt tên mối tình tuyệt đẹp vừa qua của mình vào đấy, xong, trùm kín chăn nằm bất động suốt một tuần, không cả tham dự lễ cưới bạc của bố mẹ. Phần hai ông bà, cảm thấy tạm thời nên để mặc cô như vậy, vả, họ cũng không định tổ chức gì rầm rộ hết; mẹ cô, trong dịp này, nhất thiết tôn trọng nền văn minh thực vật (hay thảo mộc, thì cũng thế) của chồng, đã chẳng biết làm gì hơn là thắp hai mươi lăm ngọn bạch lạp, cắm lên hai mươi lăm con cá, - cũng tuyệt đẹp (năm con trắc, năm con gụ, năm con cẩm lai, năm con lúp, với năm con mun, thẩy đều chạm trổ công phu và lên nước bóng loáng như bôi mỡ, hiển nhiên là đã được dùng qua nhiều năm rồi); sau đấy, hai ông bà ngồi yên lặng ngắm và, cứ thế, cùng suy gẫm về ý nghĩa của cuộc đời, chung cũng như riêng, cho đến tận rất khuya.
*

Ông già hắn, sau môt ván binh lũng, phải đền, còn kịp về nhà, kịp càu nhàu Thằng này hỏng! một lần nữa, rồi qua đời; hắn ở một mình. Cô không đành lòng giữ riêng đứa bé, bèn gửi trả. (Trong thâm tâm, cô cũng chẳng muốn nó, sau này, sẽ lại mất ngủ kinh niên chỉ vì một mầu xám tro. Một cô là đủ quá rồi.)

Thằng bé lớn nhanh. Thỉnh thoảng ghé thăm, cô lại kinh hãi nhận ra sự nối dài của bản ngã hắn nơi đứa con, mà trước hết là thói đam mê tai hoạ. Lẽ ra, thằng bé đã bắt đầu sự nghiệp từ điểm tạm dừng của bố nó trước kia (- một chuyến du lịch dài ngày bằng cách ngồi lì trong phòng và...), song rất may, nhờ một mùa rất nóng nọ (cũng vào tháng Ba), cùng với mức báo động chết của nước hồ thuỷ điện, hiệu thế giữa hai cực của các mạng năng lượng thành phố đã nhanh chóng trở về không, nó đành thôi. Vâng, có thế. Nhưng cô vẫn không phải mừng lâu: Hắn, để bù lại, đã kịp thời tha lôi về nhà đủ loại truyện tranh viễn tưởng và, thế là, chỉ sau một thời gian kỷ lục, thằng bé đã quay sang muốn mua hẳn một cái đĩa bay, quay sang săn đón những "nhân vật đến từ một hành tinh khác", trong trí tưởng tượng tham lam của nó. Tội nghiệp thằng bé! Cô thật sự lo sợ, có lúc đã quyết định đòi nó về, ra sao thì ra.
*

Thứ Hai, ngày...

Chẳng bao giờ tôi tự hỏi, ghi chép thế này để làm gì. Với lại, tôi cũng chỉ cầm lấy cái bút vào những mùa này thôi, khi mà áp suất của độ nóng và độ ẩm đã trở nên đáng sợ hơn cả, làm ngột ngạt hết thẩy, tiêu ma mọi tư duy minh triết, cũng như cạn kiệt mọi năng lực sáng tạo. (Ngày xưa, có thể tưởng tượng không, tôi đã từng làm thơ đấy, ít ra là cho đến khi tìm thấy thi văn chỉ là món trang sức thảm hại nhất: từ một tấn giai phẩm đôi khi mới chắt ra được dăm ba gam ý nghĩa, công phu hơn cả luyện vàng nữa, thật đấy.)

Cô ta thì tuyệt không muốn viết lách một cái gì hết. Cô ấy bảo, không có khả năng thủ dâm kinh niên với bút, mực, và giấy (Nếu cần, cô ấy nghĩ, để đạt được một kết quả cụ thể nào chẳng hạn, thì tốt hơn là nên theo chân một nữ sĩ nọ, vừa mới đi thẳng vào danh sách Hội Viên Hội Cầm Bút, không phải bằng cái bút, mà chủ yếu nhờ vào một bí quyết fellatio điêu luyện.) Thật ngây thơ, đúng không? Chẳng phải cô ấy cũng đã từng lập danh sách. Những Sự Vật Và Sự Việc..., mà tôi tưởng, nếu làm một cách nghiêm chỉnh, rất có thể sẽ ra một bài thơ tốt?

Nhưng mà, sao lại nói chuyện thi ca nhỉ? Tôi cũng đâm ra mụ mẫm mất, dưới cái áp suất kinh khủng này?



Thứ Ba, ngày...

Không hiểu, bao giờ mới có mưa? (Cố nhiên, phải là một trận mưa ra mưa kia, bằng không, chỉ tổ oi lại càng oi. Cứ nhớ chủ nhật trước, hôm có mười ba giọt mưa quý hoá ấy, mà xem; hàn thử hiểu, tôi dám chắc, không thể nào dưới bốn mươi độ.)

Tôi bị thời tiết ám ảnh nhiều hơn tôi đã tưởng. Hồi đêm, có thể tin được không, tôi nằm mơ, gã kia suýt làm ra mưa. Thật gở. Chưa bao giờ như thế: tỉnh ra, tôi vẫn còn nguyên cảm giác hốt hoảng trống rỗng. Vâng, thoạt tôi cứ ngỡ nước mưa rơi trên mặt, song hoá không phải: Gã khổng lồ kia, cuối cùng, đang từ giã mà đi. Vâng, gã tan đi lặng lẽ, sau khi phóng thích một bầy nòng nọc mầu lân tinh, loang loáng chẩy trên đất, "đi tìm cõi nương náu mới giữa lòng thực tại", những vũng nước gần đấy nhất, nơi chỉ cần qua đêm, chúng đã kịp hoá thân thành hàng đàn sinh vật kêu à uôm, nhoay nhoáy toả đi khắp chốn, ngự trị khắp chốn; cũng từ ấy, bắt đầu một nhân loại khác, một lịch sử khác...




Thứ Năm, ngày...

Có đến hàng tuần rồi, thằng bé cứ ở mãi chỗ của nó, chưa chịu kết thúc quá trình trao đổi nhiệt với cái lu nước lớn nhất trong nhà tắm. Nó cứ nằm vật vờ thế, mắt thao láo, mồm há hốc như con cá ngoài chợ (, mùi cũng tanh như thế). E.T. sẽ đến chứ, hả bố? Ấy vẫn là điều duy nhất nó quan tâm.


Cô ấy vẫn bảo, nó giống tôi. Tôi hiểu. Đam mê, như thế, hóa ra cũng là một bệnh di truyền bất trị? Dường như chỉ có nó là không bị suy suyển, mặc dù cái áp suất này; có chăng, chỉ biến dạng đi một ít, và trở nên bí ẩn hơn. Vâng, bí ẩn (hay, như những kẻ bi quan có thể nói, vô nghĩa, thì cũng thế). Bởi lẽ có ai nhìn thấy, nó được khởi đi từ đâu, chấm dứt ở đâu? Duy mỗi điều, không có nó, cuộc sống này e cũng dừng lại mất. Nó là một với tồn tại con người, chẳng phải ư? Cuộc tồn tại của chúng ta, như thế này đây, luôn luôn có thể được tìm thấy vừa bí ẩn, vừa vô nghĩa cùng một lúc; nó cũng có thực sự khởi đầu từ đâu, kết thúc ở đâu...?

*

Dù sao, cuối cùng, hắn cũng gửi thằng bé lại, cô chưa kịp ngay cả mở miệng đòi. (Không hiểu, cô nên buồn hay nên vui.) Lần này, cô tự ý thôi không ghi thêm một giòng nào vào danh sách Những Sự Vật Và Sự Việc... nữa. Trừ khi là để điền tên chính tôi vào đấy, vâng. Cô bảo. Đôi khi nước mắt cô rơi trên mái tóc khét nắng, cắt cụt, của thằng bé. (Nó đã được thông báo cho hiểu ra, chẳng có E.T. nào đâu, cũng chẳng có nơi nào đáng quan tâm cho bằng mặt đất này cả, và sự thật tàn nhẫn ấy đã làm nó oà lên khóc mất một giờ.) Giá như ngày đó tôi đã chẳng từng biết hắn thì hơn. Rốt cuộc, có lẽ chẳng điều gì trong tầm tay của tôi lại đủ khả năng tồn tại đến năm 2000 hết. Và cho đến giờ, cô ấy vẫn còn bảo như vậy đó.

Bùi Hoằng Vị
Saigon, 05-06/1992




1 comment:

BÙI HOẰNG VỊ said...

Đã in trong tap truyen ngan TANG TRET THIEN DUONG (nxb TRE/tpHCM, 1995) va Website Thuy Khue (http://vannghe.free.fr/buihoangvi/tttd/index.html)