Sunday, November 23, 2008

.
.
TRUYN
.




PHÒNG BỐN GIƯỜNG



Tôi nghĩ, cuối cùng, anh ấy đã rơi hẳn vào một dạng tồn tại vô nghĩa kinh khủng. Điều này suốt bao năm qua tôi vẫn sợ, và ngay cả khi nó đến tôi cũng chẳng muốn nhận ra. Tôi chỉ buộc phải nhận ra gần đây thôi, tình trạng của anh ấy hôm nay nên được hiểu như là một cái gì tất yếu.

Ban đầu, anh ấy cũng không dễ chấp nhận cái biên giới này của tồn tại đâu. (Mà có ai đã dễ chấp nhận nó, dù thái dộ mỗi người một khác? Anh ấy cũng thế thôi.) Vâng, anh ấy đã sửng sốt quá đỗi; bất bình nữa, khi nghe bảo, anh chẳng bị thương ở đâu cả, cũng chẳng đau yếu gì hết, chỉ có mỗi một sự kiện vô cùng đơn giản mà vô cùng khó hiểu, ấy là anh không thể sống nữa, và phải nằm đây chờ.

Thế, dễ cũng đã hơn ba tháng (hay cứ nói, hơn ba thế kỷ rồi, cũng chẳng có gì là khó tin) anh ấy nằm chờ ở đây, trong một góc phòng này của bệnh viện. Ngoài anh còn ba người khác: Một bà cụ thật đẹp lão, một ông cụ cũng đẹp lão nhưng kém hơn, và một thanh niên. Cả bốn người đều trắng: giường, drap, chăn gối, và quần áo. Cả bốn người đều không ăn uống, cũng chẳng bài tiết gì hết: Tất cả những việc đó được thực hiện nhờ những ống dẫn bằng nylon qua các khiếu trên cơ thể. Cũng không cả hít thở: Đã có những bình lớn đựng oxy ở ngay cạnh giường. Ngoài ra, còn thường trực một chai sérum, thong thả nhỏ giọt vào vein tay phải, và một chai máu, - tay trái. (Cả thảy là bao nhiêu ống dẫn nhỉ? Thật dị dạng!)

Bà cụ đẹp lão kia nhất định sẽ thành tiên, một khi hồn lìa khỏi xác, tôi dám đánh cuộc thế. Nhưng bây giờ thì chưa: Hai mắt cứ mở to, lặng lẽ nhìn ra bầu trời ban đêm ngoài cửa sổ, thỉnh thoảng lại thều thào: Đỏ!, hay: Vàng! Ấy hẳn bên ngoài kia, một cái sao băng, hoặc, cũng rất có thể, một thiên thần, vừa bay vụt qua.

Ông cụ, cũng đẹp lão nhưng kém hơn, thì không một lời, mặc dù hai mắt cũng thao láo và cố nhiên là nom thấy tất. Không, ông ấy cũng chẳng buồn cả nháy mắt nữa, dẫu cho các thiên thể nọ có lao thẳng vào căn phòng này. Ông cụ có vẻ từng trải lắm rồi; rõ ràng trên đời chỉ còn mỗi một điều thôi, mà ông đang chờ đợi thể nghiệm, ngoài ra, đừng hòng chia trí ông bởi bất cứ lẽ gì khác.

Còn lại cậu thanh niên, trước sau mắt vẫn nhắm nghiền, nom hệt như chết rồi. Có một vệt đỏ tươi vẫn lấp loáng chẩy từ mắt xuống thái dương cậu. Máu ư? Hay là nước mắt?

*

Tôi (từ đầu vẫn ngồi đan đằng cuối giường bệnh, cạnh con gái) đã bảo, cái giá người ta phải trả cho những trò hề là không thể lường được. Thoạt, anh ấy có vẻ không hiểu tôi muốn nói gì. Con gái tôi cũng thế, không hiểu mấy; nói chuyện với mẹ, nó cứ hỏi suốt.

- Trò gì, hả mẹ?

- Trò hề, con ạ.

Một cô điều dưỡng nhún nhẩy đi vào phòng, ngón trỏ duyên dáng đặt lên môi, khẽ suỵt, đoạn đến bên một trong bốn cái giường, khéo léo lấy nhiệt, lấy mạch, thay kim, thay ống dẫn, hay là một cái gì đấy tương tự, xong, nhún nhẩy đi trở ra, không quên dặn tôi: Khi nào chai tiểu đầy, nhớ thay cho ông nhà, và, với con gái tôi: Đừng nói lớn nhé. Chỉ những lúc ấy, con bé mới sực nhớ đến và chúi mũi vào đống sách vở với cái cặp nó đem vào, để ngay dưới chân giường anh ấy nằm. (Nó đang đợt ôn thi chuyển cấp.) Dù sao, chỉ một lát đã lại ngửng phắt lên:

- Mẹ bảo, trò gì cơ?

- Trò hề, con ạ.

*

Tôi vẫn ngờ, lầm lẫn lớn nhất chúng tôi đã phạm phải là lấy nhau. Anh ấy chả hạnh phúc. Tôi cũng thế. Từ lâu lắm rồi, anh ấy đã được xem như là mất phản xạ.

Trong suốt một thời gian dài, chúng tôi hầu như không còn gì để trao đổi. Sự im lặng của anh ấy là điểm khiến tôi khó chịu nhất. Và tôi e, bây giờ, anh ấy cũng sẽ chẳng chối lắm đâu, nếu có ai cho rằng những ngày nằm ở đây, như thế này, mà lại hoá hay, vâng, chứ đến như ngay trước hôm phải nhập viện, tôi còn hòng làm anh ấy mở miệng: Kẻ sĩ các anh hôm nay thật buồn. Cầm bút, đôi khi cầm phấn, rao giảng những chân lý đóng hộp, mà em ngờ đã từ lâu thiu thối rồi. Lắm lúc ồn ào về một chuyện gì, giả vờ như quan trọng lắm, lắm lúc lại im ắng, giả vờ như đang trầm mặc ghê gớm, song câu hỏi lớn nhất thì vẫn chẳng bao giờ dám động đến, thậm chí còn làm như không hề có. Cũng lại giả vờ, đúng không? Thật buồn. Rất có thể ngày mai anh sẽ được mời vào chân chính thức của một Hội nào đấy, - Hội Cầm Bút? hay Hội Cầm Phấn?, - được công nhận, được khẳng định, khen thưởng nữa. Nhưng mà em nghĩ, có lẽ một con vượn nào đấy, trên đà tiến hoá tất yếu của nó, cũng sẽ đảm đương đươc cái trò ấy, hay một người máy bất kỳ nào, trong tương lai, cũng sẽ thừa khả năng thay thế tốt hơn anh, vâng, nếu anh không thể tự trả lời cái câu hỏi này: "Tồn tại thế để làm gì?" hay: " Có thể nào làm khác đi không?" Mỗi người được tặng cho một trăm năm để kịp làm cái việc ấy, trước khi nhắm mắt; hắn có thể làm, và có thể làm sai, nhưng nếu khước từ, thì tốt hơn, hắn đừng tự nhận là con người nữa.

Dù thế nào, tôi vẫn thất bại: Anh ấy chẳng bảo sao cả. Thật đấy, từ lâu lắm rồi, anh ấy đã được xem như là mất phản xạ.

*

- Con không hiểu gì hết. Con gái tôi bảo.

- Con hãy mở mắt ra mà xem, ba cái giường kia kìa, - ba người đang nằm đấy. Họ là những con người, thật như đáng gọi, con hãy nhớ thế, - những vai chính diện hiếm hoi, mà hôm nay thì nằm cả ở chỗ này. Đấy, cái giá người ta phải trả cho một trò hề đấy.

- Nhưng trò nào chứ, hả mẹ?

- Trò Bộ Quần Áo Mới Của Đức Vua.

- A, thế thì con biết. Chuyện ở tận bên Tây, xứ sở của ông tiên Andersen, phải không mẹ?

- Phải, nhưng không đơn giản như con hiểu đâu. Ngày trước bố mẹ cũng đã từng ở đấy: Một xứ sở rất vĩ đại, con biết không, - ở đấy người ta chơi những trò vĩ đại, mà nhất là trò Bộ Quần Áo Mới này, cứ được tổ chức suốt, trong những Hí Viện Ảo Dị, vào mỗi mùa Festival hàng năm dành cho kịch và tuồng. Của đáng tội, lịch sử sân khấu đến giờ vẫn chưa đào đâu ra được một trò hơn thế. Cố nhiên không kể đến trò Đóng Đinh Giê-Xu-Gia- Tô, hay trò Người Ta Chỉ Đọc Một Quyển Sách, mà ở đâu và thời nào cũng thật ăn khách. Phải, không kể làm gì đến hai trò ấy; chỉ riêng một trò này cũng đã quá đủ rồi. Người ta bảo, ấy là trò vĩ đại nhất trong các trò vĩ đại. Nhưng mà, con hiểu không, cái giá phải trả cho nó thì không thể lường được đâu. Thật, chưa có trò nào làm lãng phí và kiệt quệ của cải lẫn con người cho bằng: Nó quần tụ hẳn một đám 90% là thiểu trí năng, còn lại 10% là kém lương tri, hay vô sỉ thì cũng thế, - một đám quần thần tranh ăn và tranh nịnh, một đám công hầu khanh tướng vênh váo, háo danh và trục lợi một cách thô thiển, - tất cả đều xúm xít vào đấy, om xòm tâng bốc cái bộ cánh vô hình mà hai tên đại bịp nọ khoác lên mình Vua. Còn Đức Vua ấy à? Chẳng phải nói, bao giờ ông ấy cũng nghèo thông minh và thẩm mỹ đến lộ liễu.

- Nhưng rồi sau thì sao, hả mẹ?

- Sao ấy à? Khán giả bị cuốn hút đến nỗi chẳng mấy chốc tham gia luôn cả vào đấy. Cả rạp thoắt một cái biến thành sân khấu, và chỉ kết thúc khi mọi thứ đã tan tành thành một bãi vô hình thù, chả còn ai biết phải gọi là cái gì nữa.

- Ồ, thế thì tuyệt thật đấy, mẹ ạ. Ước gì con được đi xem. Cặp mắt con bé nom mới long lanh chứ. Rõ ràng, lần này tôi cũng lại thất bại, đúng không? Tôi giận kinh khủng.

- Con sẽ không bao giờ đi xem một trò như thế. Tôi bảo nó.

- Không sao đâu mẹ, con sẽ chỉ đứng ngoài cửa rạp. Nó cũng ghê lắm, làm như cái Hí Viện kia ở ngay đâu đây ấy.

- Không ai lại đứng ở cửa rạp. Tôi suýt hét lên. Không ai cho phép mày thế cả. Mẹ bảo trước, với cái trò ấy, khốn cho đứa nào hòng đứng ngoài. Thật đấy, con cứ trông ba cái giường kia hẵng. Phải, chính họ đấy, họ cũng đã từng ở cái xứ sở ấy, từng dại dột đi xem cái trò hề ấy, mà lại không chịu a dua vào. Bà cụ, con biết không, dạo ấy còn trẻ hơn bây giờ nhiều cơ, ngay từ đầu đã bảo: Lại trò bịp đấy. Trên đời này chả làm gì có một thứ vải như thế. Quân ấy nó bịp đấy, các người ạ. Thật, chẳng hiểu nên bảo bà cụ là can đảm hay rồ dại nữa, nhưng mà chắc một điều là không gì có thể được xem xúc phạm hơn thế, đối với cái đám đông kiêu căng ấy. Rõ ràng là bà cụ đã vi phạm luật chơi, và hậu quả, như hôm nay con thấy đấy, thật khắc nghiệt.

- Nhưng mà... Con bé dậm chân. Nó còn là một đứa rất bướng.

- Con không tin, thì hỏi bố.

- Thế còn ông cụ? Cố nhiên, óc tò mò của nó lại là chuyện khác, tôi biết.

- Ông cụ ư? Ngày ấy còn tráng kiện nhiều, con ạ, nhưng số phận thì cũng chẳng khá gì hơn: Đang giữa buổi, chả cần như người ta, viện cớ đi tiểu đi giải gì cả, cứ việc nghiễm nhiên đứng phắt lên, đòi về: Lão chẳng trông thấy gì sất. Chẳng có vải vóc gì ở cái khung cửi ấy sất. Xúm cả lại đấy xem, đạp cả vào nhau, để làm gì mới được kia? Ồ, con không biết, cái đám quần thần vô lại ở đấy nó phẫn nộ mới khiếp chứ. Dễ thường có bị ai nhổ nước bọt vào mặt, xem ra họ còn dễ chịu hơn. Mẹ cứ tưởng ông cụ ít nhất cũng phải tan thành tro bụi rồi ấy. Ai ngờ còn được đến giờ, thật chỉ có phép lạ.

- Khổ thân. Cầu Chúa phù hộ cho ông ấy. Lúc này, có thể tin là nó nghiêm túc đấy... Còn người thứ ba này thì sao, hả mẹ?

- Ai? Cậu thanh niên này ư? À, phải rồi, nhưng dạo ấy chỉ là một thằng bé thôi, phải bố mẹ dắt đi kia.

- Cậu ấy cũng đòi về chứ?

- Không, con ạ. Có điều đến chỗ đám rước, thì lại... A, mà nhất định con có biết cậu ta. Phải!

- Con? Mẹ bảo sao?

- Chứ sao? Con đã đọc cái chuyện ấy của Andersen nhiều lần rồi, đúng không? Đoạn kể thằng bé, con nhớ không?

- Thằng bé nào? Ờ...À, phải, con nhớ ra rồi: Đến chỗ đám rước, có thằng bé bỗng kêu lên: Kìa, Đức Vua ở truồng!, phải không mẹ? Nhưng chả lẽ chính là cậu ấy? Thế người ta cũng...?

- Không, chẳng ai làm gì nhiều hết ; cậu ấy còn bé. Có điều cũng đủ cho cậu ấy chết khiếp đi.

- Nhưng sao mắt cậu ấy lại thế? Cậu ấy làm con sợ.

- Đấy là nước mắt, con ạ. Đôi khi đỏ, vì có máu.

- Nhưng sao lại thế?

- Mẹ không biết. Mẹ chỉ lạ là sao lại gặp ở đây. Rõ quả đất tròn.

Con bé im một lát.

- Còn bố, hả mẹ?

Nhưng tôi không trả lời.

*
Ban nãy có một cái sao băng qua của sổ. Mầu xanh. ( Nhưng bà cụ đẹp lão kia lại thều thào: Đỏ! ) Chẳng hiểu ấy là linh hồn của ai trong số những kẻ đang nằm chờ trong cái bệnh viện này. Nhưng chắc chắn nó không phải của anh ấy; nếu của anh, anh ấy tin, phải là mầu hổ phách, hoặc mầu xanh lục. (Tôi cũng tin thế.) Tôi đã không trỏ cái sao cho con gái. Không kịp, vả, tôi không muốn nó chia trí.

Con bé đã lại chúi mũi vào đống sách vở với cái cặp. ( Thế nào nó cũng cần qua cho bằng được đợt thi chuyển cấp này, phải không?) Nó thật ngây ngô. Tôi nghĩ, vừa rồi, chắc nó tin cái chuyện kia là thật. Không, tôi không bảo cái trò Bộ Quần áo Mới mà trên đời ai cũng biết cả rồi; tôi chỉ muốn nói đến những thứ còn lại ấy. Anh hẳn cho tôi là quá quắt, thật đấy. Bình thường anh ấy vẫn không thể hiểu, những chuyện như thế tôi đã học được ở đâu. Tôi chẳng bao giờ đến những trường học, những thư viện, như bao người khác. Ở đấy, tôi tin, không có gì để đọc nữa hết. Tôi chẳng thà nghiền ngẫm tất cả những món bị thiên hạ hôm nay phế thải, những món bị bán ký, bán đại hạ giá, hay bán đổ bán tháo. Chỉ những thứ ấy là còn trông cậy được, còn hy vọng đem lại một chút gì dinh dưỡng, một câu trả lời. Mà những thứ ấy thì chả bao giờ hòng có trong những thư viện, những hàn lâm viện của anh, đúng không?

Dù sao, anh ấy cũng không mở miệng đâu, tôi biết. Ngay cả nếu tôi có trả lời câu hỏi ban nãy của con bé, rằng: Bố chơi trò Kẻ Sĩ đi nữa, cũng vậy thôi. Anh ấy đã trung thành với cái vai sắm sửa suốt ngần ấy năm, thì đến giờ, có lý do gì lại phản bội? Nhất là trong tình huống này, khi mà sự im lặng chẳng những được phép mà lại còn tối cần thiết? Vâng, anh ấy không thể không biết điều ấy. Bởi thế, tôi bắt đầu ngờ rằng, cuối cùng, anh ấy đã tìm được cho mình một dạng tồn tại thích hợp hơn cả, mặc dầu đối với kẻ khác, ấy có thể chẳng qua chỉ là một cái chết dài nhất và xa hoa nhất, đồng thời cũng nhảm nhí, vô nghĩa nhất.

*

Hoá ra cái sao mầu xanh ban nãy là của ông cụ. Nhưng chỉ khi nghe mùi hoa huệ phảng phất từ phía giường ông nằm, tôi mới chợt hiểu và, hơi ngơ ngác, đánh rơi cả cái kim đan xuống đất. Ông cụ đi lặng lẽ, hai mắt nhắm lại tự bao giờ, chẳng cần ai vuốt. Chắc chắn trên đời này chẳng còn gì đáng nữa cho ông đợi chờ thể nghiệm. Tôi đã không gọi cô điều dưỡng, chỉ quờ tay nắm lấy con gái, mắt vẫn không rời ông ấy. Con bé cũng hiểu ra thật nhanh, mặt nó vụt trắng. (Ấy là lần thứ nhất nó thấy người chết.) Nhưng tôi không muốn nó hiểu sai ý tôi:

- Ông cụ là thánh, con ạ. Hãy đến mà xem.

Tôi khẽ ẩy nó đến phía ấy, và nó đến, đứng ở chân giường, im lặng... Chỉ lát sau cô điều dưỡng đã vào, vẫn nhún nhẩy như bao giờ, và cũng ngón trỏ duyên dáng đặt trên môi, khẽ suỵt, đoạn đến bên giường, khéo léo lấy nhiệt, lấy mạch, rồi lắc đầu, khoá các ống dẫn vào thân thể ông cụ, không quên hỏi con gái tôi: Em quen người này? Con bé lắc. Nó vẫn đứng đấy, còn cô ấy thì nhún vai một cái, xong, nhún nhẩy đi trở ra, gọi bác sĩ ...

... Con bé quay lại, mặt vẫn trắng bệch.

- Ai cũng phải một lần thế, hả mẹ? Nó đến sát tôi, gần như thì thào.

- Phải, nếu là thánh, con ạ. Tôi cũng thế, gần như thì thào.

- Còn người thường, hả mẹ?

- Người thường thì phải nhiều lần, trước khi chết thật.

Tôi nói, và bỗng dưng buồn bã kinh khủng ở trong lòng. Cái vệt đỏ tươi vẫn chẩy từ mắt xuống thái dương cậu thanh niên, lấp loáng hơn bao giờ hết... Đúng lúc ấy, bà cụ đẹp lão lại thều thào: Vàng! Một cái sao nữa vừa lặng lẽ băng qua bầu trời đêm ngoài cửa sổ. Một cái sao mầu hổ phách. Vâng, đúng là mầu hổ phách. Tôi chỉ kịp nhìn thấy nó khi vừa ngẩng lên, và bật khóc. Dù sao, tôi cũng yêu anh ấy, hiểu không?



Bùi Hoằng Vị
Saigon, 10-11/1991

1 comment:

BÙI HOẰNG VỊ said...

Đã in trong tap truyen ngan TANG TRET THIEN DUONG (nxb TRE/tpHCM, 1995), Tap Chi HOP LUU (Khanh Truong chu bien), Tap Chi DIEN DAN, va Website Thuy Khue (http://vannghe.free.fr/buihoangvi/tttd/index.html)