Thursday, May 10, 2007

.
.
TRUYN
.



PHÒNG X KHU NỘI TRÚ
The world is full of fools  (English folk saying)
                                                      

MỘT

Ở Phòng X Khu Nội Trú có gã, cho đến hôm ấy, vẫn là đối tượng không thường của Bệnh Viện. Gã mang kiếng cận. (Ðiều này chỉ khiến các vị áo trắng thêm điên tiết). Người ta lập hẳn những biểu đồ, theo dõi hành vi, cử chỉ gã. Mà gã không làm gì. Gã không phải một trong những ca nghiêm trọng nhất. Cũng không hề lén lút một mưu đồ đề kháng âm hiểm nào đối với cái régime điều trị dành cho toàn Khu.
Mỗi sáng phòng X ít nhất một phen mất hẳn nghiêm túc, vào lúc cánh cửa lớn có chấn song mở ra, đón bệnh nhân mới. Bao giờ cũng vậy, một nhóm lão làng sẽ vây lấy bọn mới này.
Vào đi! 
Nhanh! 
Ngài kia nữa! 
Vào cả đi! 
Nào. Nhanh lên cho. Thế! 
Xong. Yêu cầu các ngài ngồi cả xuống! 
Ngồi xuống đất kia. Thế! 
Thế. Vòng tay ra sau lưng. Thế! 
Giờ thì xin các ngài trả lời, tại sao các ngài lại phải vào đây? Xin hỏi ngài này.
Thưa, tôi không biết. 
Phát âm cho lớn, không tôi xin mạn phép vả vào mồm ngài. 
Thưa, tôi không biết. 
Ðừng vờ, thưa ngài. Các ngài nên biết mình đang ở đâu trên cái hành tinh xanh thơ mộng này. 
Vâng, các ngài nên biết, chốn này không phải để dạo chơi. Ngài có bệnh mới vào đây, nếu không, hẳn ngài là đứa bất lương, có ý đồ gì? 
Thưa không. 
Không thể tin ngài. Nào, xin há miệng. Có răng vàng không? 
Thưa không. 
Ðứng lên. 
Cởi quần áo ra. 
Nữa. 
Nữa. 
Bỏ tay xuống, Ngài không phải e lệ. 
Nữa. Cởi hết. Thế! 
Ngài có dấu diếm tiền bạc hay quí kim đâu không? 
Thưa không. 
Chổng mông lên. Mở hậu môn ra xem, thưa ngài.
. . . . . . . . .
Tiết mục nhập môn ấy dễ khiến cả phòng ồn hẳn. Song nếu có một vị áo trắng nào đi qua, ai nấy sẽ giạt ra, hiền lành, vô sự. Vị áo trắng sẽ hỏi:
Các người làm gì thế?
Họ sẽ đáp:
Chúng tôi sinh hoạt.
Hoặc:
Chúng tôi làm vệ sinh phòng trại.
Vị áo trắng sẽ dừng lại, đưa mắt nhìn khắp lượt, lạnh lùng:
Trật tự. Tất cả các người phải có trật tự.
Xong, sẽ lạnh lùng bỏ đi. Mọi việc lại tiếp tục.
Phải mất một lúc, cơn ồn mới lắng xuống.
Bao giờ cũng vậy, gã kia, dù đã lão làng, vẫn không hề tham gia tiết mục. Trừ những giờ sinh hoạt chung, chẳng hạn uống thuốc, chẳng hạn đọc sách, vân vân, thì không kể; còn lại, gã cứ nằm hoặc ngồi ở góc phòng, bất động, quay mặt ra cửa sổ, cũng chấn song, nhìn sững, làm như thể chỉ có gã và cái cửa là tồn tại.
Buổi chiều, cánh cửa lớn cũng sẽ mở, lần này để gọi bệnh nhân lên phòng khám hay tái khám, và trả về những kẻ vừa được khám xong.
Sẽ lại ít nhất một phen mất hẳn nghiêm túc.
Nào, chuẩn bị, X03! 
Tôi đây. 
Nữa, X11, X23, X31, ... 
Chúng tôi đây. 
Ðứng cả vào hàng. Nhanh! 
Nào, cùng đi. Bước! 
Thế! 
Xong. Ðến lượt các ngài kia. Xin mời vào. 
Vào đi, thưa ngài. 
Nhanh! Ngài kia nữa. 
Vào cả đi. Thế! 
Giờ thì cũng xin các ngài trả lời. Thế nào? Xin hỏi ngài này. 
Thưa, bác sĩ bảo, tôi quên nhiều quá. Trí nhớ tệ hẳn. 
Thế ngài kia? 
Tôi thì lại nhớ quá nhiều, quá mức cần thiết. 
Hm̀m! Ngài đây thì sao? 
Thưa, tôi tối dạ quá, chẳng tiếp thu gì được, chẳng biết lấy một điều gì trên đời. 
Còn ngài đây? 
Tôi lại biết quá nhiều, không ai chịu nổi. 
Hm̀m! Còn ngài? 
Thưa, bác sĩ bảo, tôi mất khả năng kiểm soát cơ vòng hậu môn. 
Hm̀m! Nghĩa là sao? 

. . . . . . . . .
Cũng vậy, gã ở góc phòng cứ vẫn yên lặng, vẫn như chỉ tồn tại một mình gã với cái cửa sổ nhìn ra mảnh sân giáp tường rào sau Bệnh Viện.
Buổi tối, không khí tuyệt đối nghiêm túc và riêng tư, nếu không kể thủ tục điểm danh. Cố nhiên người ta không thể không giả định, trong hai mươi tư tiếng đồng hồ qua sẽ có một, hai bệnh nhân nào đấy, thình lình thất lạc ngoài ý muốn, chẳng hạn rơi tuột vào hố xí cuối phòng, hoặc bốc hơi qua song cửa và kẽ nứt trần nhà, hoặc thẩm thấu xuống nền xi măng, hoặc bởi một tỉ phép mầu phiền toái khác nữa; chẳng có gì được xem là bất khả ở Khu này.
Vào lúc cuối ngày, sẽ xuất hiện một viên trực nhật (cũng áo trắng) tốt giọng, ở ngay ngoài cửa, bắt đầu ê a lớn tiếng một bản danh số dài dằng dặc và không hề du dương. Xong tiết mục này, nếu không có phát hiện nào bất thường , cả phòng sẽ được yêu cầu đi nằm.
Dĩ nhiên, gã ở góc phòng cũng sẽ không ngủ. Hoặc gã sẽ nằm quay mặt vào cánh cửa lớn, nhìn ánh sáng hắt qua song từ hai ngọn đèn pha luân phiên bật tắt ở hai đầu hành lang, hoặc gã sẽ ngồi quay mặt ra cửa sổ, nhìn cái mầu trắng nhạt của trăng (nếu có) được giãi xuống mảnh sân giáp tường rào sau Bệnh Viện. Gã sẽ ngồi một chốc, hay hàng giờ, hay suốt đêm, cái đó còn tùy.
Dù sao, thế cũng không phải điềm lành. Một đêm rằm, mối quan tâm của những người vô bệnh đạt đến mức rất lớn, đồng thời, biện pháp xử lý kinh điển nhất cũng đã được xét duyệt và phê chuẩn: Vào khoảng nửa đêm, cánh cửa lớn có chấn song bỗng mở, xuất hiện hai vị áo trắng, vẻ lạnh lùng, bước thẳng đến cửa sổ góc phòng. Và thế, gã bị tóm giữa một tri giác thuần túy khách quan về cái giải sáng trắng nhạt trên mảnh sân giáp tường rào sau Bệnh Viện. Phòng X cùng các phòng kế cận thì vẫn ngủ.
Gã được giải qua những hành lang sâu hút, soi sáng đều đặn bởi những ngọn đèn pha xen kẽ bật tắt, cuối cùng dẫn đến một cánh cửa đen nom nghiêm trọng. Cửa dịch mở, gã bước vào, một mình. Hoàn toàn vắng lặng.
Gã bỗng thấy mình đang ở trong phòng làm việc của Bác Sĩ Trưởng Khu, một nơi thênh thang, vật bầy biện duy nhất là bộ bàn ghế khổng lồ, và món trang trí duy nhất là bức tranh tường, cũng khổng lồ, minh họa một ca chẩn bệnh của một vị nào đấy, vẫn được mệnh danh Thủy Tổ Ngành Y.
Gã thu mình, ngơ ngác đi đến tận cuối phòng, chỗ cái bàn, rồi ngơ ngác ngồi vào. Trước mặt gã, trên bàn, chỉ vỏn vẹn một tập giấy trắng, một cái bút, lọ mực, và một cái chặn giấy bằng vàng khối, trên có đúc nổi hàng ẩn ngữ lấp lánh:
                                 NHÂN DANH TÌNH YÊU NHÂN LOẠI
Gã mất một lúc để nhìn sững, trước khi hiểu ra, và lẳng lặng cầm lấy bút.



HAI

Tôi hiểu quý Ngài muốn gì. Giấy. Bút. Căn phòng rỗng lặng. Và thời khắc này của ngày.
Vâng, tôi hiểu. Song tôi e sẽ không làm vừa lòng quí Ngài. Ðã thưa từ đầu, tôi không biết khai bệnh. Một bản khai bệnh, bất kể loại nào, trích ngang hay trích dọc, mặc dù những giá trị nhất định, không thể phủ nhận của nó, cũng chẳng có ích gì nữa, đối với tôi. Tất cả những hình thức ấy không thể diễn đạt những điều tôi muốn nói, những điều quá thật, đồng thời lại quá phức tạp để có thể giản lược thành những khái niệm thống kê, thu vén được thành cột dọc hàng ngang, kèm ghi chú ngày tháng năm, chuẩn bị cho khả năng tiêu hóa thường là nghèo và đơn điệu của những kẻ may mắn có được một sức khỏe tốt, một hệ thần kinh vô bệnh. Tôi cũng không cả hy vọng được chữa khỏi, rồi trở về với thế giới bên ngoài kia. Từ lâu, tôi đã thôi không còn khao khát đi đâu, về đâu.
Dù sao, điều quí Ngài dành cho, hôm nay, vẫn là một cám dỗ, tôi khó lòng bỏ qua được. Vâng. Giấy. Bút. Không gian, cũng như thời gian hoàn hảo này,... Và tôi, có nên chăng, hãy lạm dụng nó, để đi xa hơn một bản khai? Mà, biết đâu đấy, ấy lại không phải không hoàn toàn là vô ích đối với quí Ngài?



BA

Một khắc sau khi gã kia được đem đi, phòng X mới kịp phát giác. Công đầu ở một gã lão làng, do tật đái đêm, đã hốt nhiên thức giấc, bắt gặp một chỗ nằm bỏ trống cạnh cửa sổ.
Kìa! Biến đâu một đứa? X49? Thôi chết. Ê, thưa quí ngài, dậy xem nào! Dậy! Dậy hết! 
Á! Sao đá tao? Ðể yên tao ngủ. 
Này ngủ này! Ngủ này! Ngủ! 
Cái gì? Chuyện gì? 
Ngủ mãi, đồ con lợn! Dậy hết tất cả xem nào! 
Mà chuyện gì! Cái gì? 
Ðêm hôm, không cho ai ngủ, là sao? 
Thưa quí ngài, biến mất một đứa rồi. Chết cả đám đến nơi, còn ngủ! Dậy cả đi! 
Ai biến? 
Ðứa nào biến? 
Thằng X49, chứ đứa nào! 
X49? 
Suỵt! Yêu cầu khẽ mồm, kẻo Trực Nhật nó mất ngủ, là ăn mày cả lũ. 
Bây giờ, các ngài ngồi ngay ngắn xem nào. Tựa lưng cả vào tường. Thế! 
Mà để làm gì mới được? 
Còn để làm gì! Yêu cầu các ngài vui lòng động não lên một chút. Cần xác định xem, thằng bất nhân ấy nó đã đi đâu, bao giờ, cách nào. 
Mày đùa! Có biết giờ này là giờ ngủ không? 
Ngài bảo ai đùa? Chuyện nghiêm túc đấy. Sáng ra còn phải báo cáo với Trực Nhật, hiểu chưa? Muốn chết cả đám hẳn? 
Nhưng có ai biết? Ðứa nào chả ngủ? 
Thế nào chẳng có ngài thức khuya? 
Ai là người cuối cùng trông thấy nó tối nay? 
Sao không hỏi X50? 
Ờ phải, cái thằng Ngủ Mở Mắt ấy. Nó có thể biết khối chuyện đấy. Thế nào, X50, ngài đang thức hay ngủ thế kia? 
Ngủ đấy! 
Nhưng mắt nó mở?! 
Ðã bảo, cái thói nó thế. 
X50! Này ngủ này! Tha hồ cho mày ngủ này! 
Ááá! Xin các ngài! Ðể tôi yên! 
Cái gì? Nhắc lại xem? 
Ðể cho tôi yên. 
Rất tiếc, tôi không thể cho ngài cái mà tôi không có. Này yên này! Yên này! Yên! 
Ááá! Cho tôi xin. Các ngài muốn gì chứ? 
Nghe hỏi đây. Từ tối đến giờ mày có để ý thấy thằng X49 giở quẻ thế nào không? 
X49? Không biết. 
Hm̀m! Nhớ kỹ lại xem, không thì đừng hòng yên. 
Ơ, thế thì... hình như ... có thấy. Nó ... đi rồi. 
Khá lắm. Thế nó đi đâu? Bao giờ? Cách nào? 
Hình như... ban nãy... Ơ, có hai thiên thần sáng láng... cùng hiện xuống, rước lấy nó... cả hồn lẫn xác... qua ngả hành lang kia... 
Hm̀m! Có thế! Mày mơ khá đấy, X50 ạ. 
Xong nợ chưa? 
Rồi. Xong. Cảm ơn các ngài. 
Thế thì ngủ! Nằm cả xuống. 
Sư nó! Nửa đêm nửa hôm. 
Thôi đừng càu nhàu! Ngủ!

Chưa bao giờ phòng X lại mất hẳn nghiêm túc vào giờ giấc thế này. Phải một lúc, cơn ồn mới lắng xuống. Song, cùng lúc ấy, những ai khó ngủ sẽ để ý nghe ra một thứ tiếng động khác, nãy giờ âm ỷ. Từ bên phòng Y, một gã khốn khổ nào đang gõ morse lên vách tường. Tiếng gõ không nhanh, không chậm, nhưng đều đặn, gửi đi những giòng thông điệp rạc rời, bức điện báo, bài chính tả buồn giữa khuya:
... CHA TIEEN SW NHAF CHUNGS MAYF ... CON CAWCJ ... DDUJ MEJ MAYF ... CHA TIEEN NHAAN NHAF CHUNGS MAYF CHWS ...



BỐN

Tôi phải bắt đầu từ đâu?
Cuộc sống không khởi đầu từ trong nôi, cũng không kết thúc ở nấm mồ. Một người nào đó đã nói vậy. (Tôi không nhớ tên). Nhưng có lẽ chúng ta không cần phải lui lại quá; hãy chọn lấy một thời điểm tương đối, trí tưởng tượng quí Ngài chấp nhận được, thế này:
Tôi xuất thân từ một con tinh trùng.
Việc xảy ra thế nào?
Tôi đã khai sinh từ một cõi thâm sơn nào của Bố, sau đó chuyển sang tạm trú một cõi cùng cốc khác của Mẹ, được đâu hơn chín tháng thì xuất ngoại, thường trú hẳn giữa cõi người ta, mà lần này mới thật bất trắc.
Bấy giờ là mùa gì, phòng hộ sinh lúc nào cũng nhoay nhoáy hài đồng. Phần lớn những đứa có mặt ở đây, trong phòng X này, thì ngày ấy cũng đã hội ngộ ở đấy. Một vài đứa gây ấn tượng nhất, còn nhớ được:
Thoạt, là X61, Ðộc Ðạo Nghiêm Túc (Những hỗn danh kèm theo như thế này chúng tôi tự đặt cho nhau, có khi trước, có khi sau thời gian nhập viện).. Gã này cứ trơ hai mắt, song không thèm nhìn cái gì, cũng không biết cả khóc. (Dĩ nhiên, gã thì nhạt nhẽo ngay từ đầu). Trong lúc, anh em song sinh của gã, X38, vừa lọt lòng đã nheo mắt: Merci! (Ấy người ta bảo).
Cũng có thể kể X59, Ông Cứu Thế, kẻ đã ra đời với tư thế hai tay chắp, hai mắt lim dim, nom rất đáng sợ (hay đúng hơn là đáng ngờ).
Và nữa, X13, Ông Cơ Vòng Hậu Môn, hết sức láo xược. Quí Ngài thử tưởng tượng: Bà mụ vừa nắm gót, dốc ngược, chưa kịp vỗ vào đâu, gã đã sang sảng đánh rắm hăm mốt phát liền, một khẩu thần công ra thần công, chào mừng tồn tại địa cầu.
Còn lại, thôi đủ trò: Ðứa khóc toe. Ðứa cười toét. Ðứa mếu. Ðứa ngủ. Ðứa hắt xì. Ðứa ngáp.
Tôi cũng ngáp. (Bình thường?)
Sau đó, tất cả chúng tôi đã trải qua một thời kỳ đầu vô sự nhất, những khác biệt kia chẳng là gì, chẳng thành cao trào hay bi kịch. Ngược lại, mọi người cũng chẳng can thiệp được bao nhiêu vào thế giới của chúng tôi; họ chỉ là những láng giềng ở cửa ngõ phía Ðông (Chỉ vài năm sau, chúng tôi cũng sẽ bị tống khứ ra khỏi cái cửa ngõ ấy, tất nhiên). Mặc dù những răn đe, có khi kèm nạt nộ, có khi kèm đét đít, song nói chung chúng tôi vẫn được hưởng an nhiên (không kể những của ngọt cùng là đồ chơi khi thế này khi thế nọ).
Người ta vẫn gọi cái thế giới ấy là gì nhỉ? Ờ, thì Vô Cực! Ờ, thì Nhất Nguyên! Ờ, thì Eden! Nhưng nó có cần quái gì tên gọi? Cũng có vị đã ca ngợi nó như một Trò Chơi Hồn Nhiên, một Bánh Xe Quay Trên Chính Mình, một Tiếng Ừ Linh Thánh, (và gì nữa?) Nghe có vẻ nên thơ, đúng không? Song ở đây tôi không thể làm thơ, cũng không cần định danh định vị gì thêm cho cái thế giới ấy (Danh khả danh phi thường danh!) Chỉ biết, tất cả chúng ta hôm nay đã ra khỏi nó, ra khỏi cái Eden đó bằng cửa ngõ phía Ðông, và không bao giờ trở lại nữa. Vâng, đừng hòng. Ở đấy, đã được canh gác cẩn mật bởi hai seraphim dũng mãnh, gươm giáo chói lòa (Thánh Kinh, chương ấy, đoạn ấy, câu ấy).
Thời gian đầu, với tôi, thế là năm năm.
Bước vào giai đoạn hai (mười năm tiếp theo) chúng tôi khởi sự chia xẻ cùng một thế giới với quí Ngài, một thế giới đã phân cực rồi. (Ngày xưa, một con vượn khờ khạo nào trong vườn Eden đã ăn phải trái cấm của nhận thức Nhị Nguyên và lập tức lãnh nhận một hậu quả y hệt). Tôi muốn nói, từ đây, chúng tôi được dạy cho phân biệt thế nào là Chân / Ngụy, Chính / Tà, Thiện / Ác, Mỹ / Xú, vân vân. Thế giới bỗng hiển hiện như một đường thẳng nghiêm túc, hai đầu là hai cực đối kháng, trên đó dường như mọi thứ đều có thể được suy diễn từ một phép tính đơn giản nhất: Hai-Với-Hai-Là-Bốn. Nhưng mà dù sao, xin thừa nhận, mọi việc đều hứa hẹn. Chỉ dăm năm đầu chúng tôi đã hoàn tất cái bài học vỡ lòng tự phân cực nọ. Mười tuổi, hầu như cả bọn đã thủ đắc một quan niệm hết sức chuẩn mực về các cặp phạm trù đối kháng, cũng như sở hữu được một lòng tín thác không gì lay chuyển nổi vào một nhân loại tất thắng. Mà thắng gì? Thì đấy: Chân thắng Ngụy, Chính thắng Tà, Thiện thắng Ác, Mỹ thắng Xú, vân vân. Như cổ tích vậy, đúng không? Trong cổ tích, có vô thiên lủng các Ông Thiện, vô thiên lủng các Thạch Sanh,... toàn năng, toàn ái, toàn mỹ,... Tất nhiên không dám thiếu những đứa Ngoáo Ộp, những thằng Lý Thông,... song bọn này thì nghĩa lý gì; chúng chỉ có một chức năng: Chiến Bại, và tiện thể, vun xới cho thêm chắc khỏe cái niềm tin vốn đã chắc khỏe của chúng tôi vào một tiền đồ nhân loại. Cứ đà này, dễ thường không có gì hòng ngăn cản nổi chúng tôi đi đến gặp gỡ đẹp với một thế giới đại đồng, gồm rặt những Ông Thiện.
A, nghe có buồn cười? Nhưng khoan hẵng. Nói gì thì nói, chúng tôi thật đã sống cái niềm tin ấy đấy. Mà sao lại không? Cận ảnh một Eden của thế kỷ XX còn có thể được khải thị ở đâu, nếu không phải là hai nơi này: Ðức tin của một đứa trẻ, hoặc tiềm thức của một thằng điên? Ðiểm phân biệt duy nhất: Một bên mặc nhiên không cần tuyên ngôn, còn bên kia, cần vô số tuyên ngôn (99% là hùng hồn đến chóng mặt!) để thay thế mặc nhiên, có vậy thôi.
Thế, đích điểm đã vạch; để đạt đến, chúng tôi đua theo nhau, cũng nhọc nhằn, không đùa. Nhân vật chính diện của nửa đầu giai đoạn này lại là X61. Bí quyết của gã? Trong cái không gian một chiều, không độ cong như thế, nghĩa là, thật sự đồng bộ với cái não trạng vốn cũng không có hơn từng ấy chiều kích cũng như từng ấy độ cong của một đứa trẻ như thế, gã X61 nọ hoàn toàn an lạc. Tôi tưởng gã phải là một phần tử tinh tuyền của nó, một điểm, hay một đoạn thẳng, đúng không? Là ngôi sao tỏa sáng, gã luôn được lấy làm gương cho cả bọn soi chung: Bảo học, học, bảo hát, hát, bảo kể chuyện, kể chuyện, bảo câm, câm, bảo quì, quì, bảo ngủ, ngủ, bảo đi đái, đi đái.... Một Ông Thiện thiếu thời ắt phải vậy. Tôi chỉ biết trố mắt, há hốc mồm. Còn lâu mới theo kịp gã.
Một điểm nút khác, một đoạn thẳng khác, tuy nhạt hơn, một ngôi sao khác, tuy không sáng giá bằng, song cũng được kể như làm nên danh phận: X60, Nhà Hùng Biện. Có thể nhớ gì về gã này? Luôn được khen thưởng, nhất là vào các giờ đạo đức, các giờ kể chuyện gương tốt. Luôn thuộc bài, tốt giọng, chỉ phải cái ngọng và ê a. Một trích đoạn của gã cũng đủ khiến khối kẻ sờn cả lòng: Chúng-a ta-a phải-a học-a và-a tập! Bằng-a cách-a nào? Không-a chỉ-a khám-a phá-a và-a noi-a theo-a các-a đức-a hạnh-a ưu-a điểm-a người, mà-a còn-a là-a cố-a công-a tự-a kiểm-a và-a khắc-a phục-a những-a khuyết-a điểm-a thói-a hư-a tật-a xấu-a mình! Dẫu sao, được như thế cũng chẳng dễ. Cả bọn đã vị nể nhân vật này, không phải là không công bằng.
Còn bao nhiêu phần tử chính diện khác của chặng đường vỡ lòng kia? Bao nhiêu điểm nút? Bao nhiêu đoạn thẳng hình gậy, hình que? Thôi, không nói. Chỉ rất tiếc, tôi không tìm được mình trong số đó. Cũng như không tìm thấy cả trong đám phản diện nhất sắp kể ra đây. Rất may, đám này không nhiều.
Ðứng đầu danh sách có lẽ là X13 - Cơ Vòng Hậu Môn.Hầu như không buổi nào không bị phạt. Lỗi hiển nhiên ở gã. Luôn luôn đánh những phát rắm tai ngược vào đúng những thời điểm nghiêm túc nhất, chẳng hạn xếp hàng, chẳng hạn điểm danh, chẳng hạn trả bài, tự kiểm, hay kể chuyện gương tốt... Gã bị X60 ghét như đào đất đổ đi: Những trường đoạn hùng hồn nhất, đẹp nhất của gã kia vẫn bị gã này gia công điểm xuyết vào không biết cơ man nào là âm thanh và cuồng nộ, nghe chả còn ra làm sao. Hình phạt dành cho X13 thường là nặng nề, có phen phải quì suốt hai buổi liền, song gã vẫn chứng nào tật nấy.
Ðồng số phận với gã còn có X38. Hay phải phạt, hay bị nêu làm thí dụ gương xấu. Chưa từng một lần thuộc bài, chưa từng viết chữ đẹp, lại không biết kỷ luật, giờ giấc là gì: Ðọc trong giờ chơi, vẽ bậy trong giờ học, ngủ trong giờ kể chuyện, câm khi người ta hỏi đến, vân vân. Thế mà, gã đâu phải đứa ngu? Chẳng qua gã không thể ghép mình vào cái không gian một chiều kích kia (thậm chí sau đó, vào nửa cuối giai đoạn, khi nó đã được nâng cấp thành một mặt phẳng hẳn hoi, gã cũng không cảm thấy khá hơn): Sự chín mùi của trí tuệ gã, ngay từ thời điểm đó, đã cho phép gã khẳng định: Thực tại phải phong phú hơn những tổ hợp một hay hai chiều kích không độ cong ấy, đồng thời giả thiết có những phép cộng khác hơn Hai-Với-Hai-Là-Bốn, thì mới bõ công người ta tồn tại.
X43 - Nỗi Buồn Thế Kỷ thì không bị ai phạt hết. Gã tự phạt. Mỗi ngày gã ngồi đó, thẳng người, khoanh tay, vẻ nghiêm trọng thần sầu. Không thể đoán gã đang nghĩ ngợi gì. Dù sao, đừng có gọi đến tên: Gã sẽ uể oải đứng dậy, vẻ càng thần sầu, buông thõng một tiếng gọn lỏn: Chán!, rồi uể oải đi vào nhà cầu, vẫn với vẻ thần sầu không bút nào tả xiết.
Tôi, đã thưa rồi, không dự phần vào đám tai tiếng này. Dạo đó, tôi được xếp ngồi một xó, bên cạnh chỉ có X59, Ông Cứu Thế. Gã này cũng thực sự là một kỷ lục chẳng vừa; nếu muốn, mọi người vẫn có thể tha hồ học hỏi: Gã thường xuyên toát vẻ đạo hạnh, chừng mực đến độ, lại thường xuyên nhắc nhở cả bọn: Chúng ta là anh em cả mà! hoặc: Hãy nhường nhịn nhau nào! (Nếu không có Cơ Vòng Hậu Môn chăm chỉ làm việc, không khéo tôi đến tin gã mất. Nom gã thành khẩn thế kia: Hai tay chắp, hai mắt lim dim, không đùa!) Rốt cuộc, dù phải, dù trái, bên nào gã cũng kiếm chác được tất; túi trên túi dưới của gã lúc nào cũng ních đầy những bánh cùng kẹo, những bi cùng thun giả đạn, lại cả phiếu bon point (ấy chưa kể, về sau có kẻ thề sống thề chết rằng, đã biết gã từng ăn vụng giỏi thế nào, cóp chép nhanh ra sao, chơi thì gian). Nhưng mà, hãy khoan khen chê gì gã. Tôi không định làm điều đó ở đây đâu. Bẩy mươi chưa khoe rằng lành, đúng không?
. . . . . . . . . .
Vâng, và cứ thế, cả bọn đã đi hết năm năm đầu, rồi là năm năm sau, nửa cuối của giai đoạn. Cái đường thẳng nghiêm túc thuở nào đã triển khai thành một mặt phẳng hẳn hoi, trên đó có thể chơi những trò mới, hai chiều. Một tiến bộ ra tiến bộ? Không ai phàn nàn hết, ngoại trừ X61 tội nghiệp. Tài năng này, thình lình hóa ra hụt hẫng: Gã vẫn cương quyết dừng lại ở cấp độ nhận thức thấp nhất. Như một đoạn thẳng trượt dài trên chính mình, gã đã vĩnh viễn tự đồng hóa với một không gian đơn chiều, không cong, mà trên đó phép cộng Hai-Với-Hai-Là-Bốn được gã lạm dụng một cách vô tội vạ. Thế thì lại rất phô, đúng không? Người anh em song sinh của gã bảo: X61 đã trả giá, gã đã giản lược thực tại, hòng biến nó thành một khái niệm thô thiển hơn nó vốn là (, và mãi mãi là!) Song, nói cho cùng, có ngôi sao nào không lặn tắt? Cũng như có ai sẽ thường trụ mãi nơi nào, một khi thời gian, bấy lâu, cứ vận hành nghiêm nhặt theo một chiều vẫn được qui ước thuần dương?
                 


NĂM

Này, mày không ngủ? 
Không. 
Mày nghe gì không? 
Nghe gì? 
Nó lại đánh morse đấy. 
Ừ. 
Còn thằng X49, mày có tin nó biến đi thật không? 
Sao không? Anh biết, Khu Nội Trú này được gọi là gì chứ? 
Tiềm Thức Của Thằng Ðiên, chứ gì! 
Phải rồi. Và tai họa không phải vì nó tệ, mà ở chỗ nó quá đơn giản, đồng thời lại quá lý tưởng. Ở đấy, người ta chỉ dung nạp một chiều kích, cùng lắm là hai. Con số ba đã được xem là phải cảnh giác. Còn như nhiều hơn ba? Hãy cẩn thận. Nếu anh lại đi tơ tưởng đến một thế giới nào đấy nhiều hơn ba chiều kích, thì anh cũng sẽ không thiếu dịp để biến đi như thằng kia. 
Biết rồi. Nhưng mày nói sao, chứ ở thằng X49 ấy, tao biết, cũng có đào đâu ra được hơn ba chiều kích? Ai chứ nó tao còn lạ?! 
Sao lại bảo vậy? 
Cách đây hơn mười năm tao tình cờ băét gặp nó đang hí hửng giữa một la liệt trận đồ toàn những chân dung là chân dung, nghe đâu của các thiên tài với lại vĩ nhân không thôi. Báo hại tao đã phải một phen... Ờ, mà mày biết đấy, não trạng của bọn thờ ngẫu tượng thì có bao giờ phát triển được đến hơn ba chiều kích? 
Tất nhiên cũng có lúc thằng ấy làm những trò ấy, nhưng sau đấy, thế nào lại chả khác đi rồi? Nếu cứ được như cách nay hơn mười năm, ắt nó chưa phải vào đến đây. 
Mày biện hộ giùm nó phỏng? Mà thôi, vào đây hay chưa vào đây, ba chiều kích hay mười ba chiều kích, tao chẳng hơi đâu phân biệt nữa; chỉ thấy như nhau tất.



SÁU

Mười lăm tuổi, kết thúc thời kỳ thứ hai của chúng tôi. (Quí Ngài vẫn gọi thời kỳ cơ sở, phải thế không?) Nhưng không ai dừng lại để nghỉ ngơi. Nếu cứ khư khư lấy một đường thẳng (như X61) là không hợp lý thế nào, thì khăng khăng với một mặt phẳng cũng vậy thôi. Ấy là trường hợp X60. Khi làm quen với định đề Euclide bẹt, gã còn theo được, còn sang sảng được: Từ-a một-a điểm-a ở-a ngoài-a một-a đường-a thẳng-a ..., song, khi chuyển sang định đề Euclide nổi, gã đã chuội đi, thôi không còn tỏa sáng. Từ-a một-a điểm-a ở-a ngoài-a một-a mặt-a phẳng-a, gã không trông thấy được gì hết. Gã chỉ quen thuộc với những thực tại hai chiều : bẹt, dẹp, phẳng lì, nhẵn thín, và từ chối bước ra khỏi đấy.
Mặc gã, cùng những kẻ như gã. Còn lại những ai, hãy liệu bước ra khỏi đấy, và khởi sự chặng đường thứ ba.
Mười lăm tuổi, chúng tôi bước vào chặng đường thứ ba. Chặng đường phổ cập, bất kỳ ai cũng phải qua. Chặng đường phổ cập, chuẩn bị cho mọi người đặt những vấn đề lớn, những trò chơi lớn. Ở đấy, não trạng con người ta được trang bị thêm một chiều kích nữa, mở ngỏ cho nó cái cơ hội triển khai thành một không gian ba chiều (vẫn không cong, mặc dù). Nhưng mà, quí Ngài cứ tin đi, ấy vẫn sẽ mãi là cấu trúc cao cấp nhất mà tuyệt đại đa số trong thiên hạ có đủ khả năng để hình dung. Nom nó rất an toàn, lại không phải là không hoàn thiện. Vâng, hãy xem: Trong đó, cả một công trình được xây dựng nguy nga (trên những trụ móng dường như bất khả xâm phạm: phép cộng Hai-Với-Hai-Là-Bốn, định đề Euclide, - bẹt, rồi nổi, luật cơ học Newton, nguyên tắc logic nhị nguyên Aristote, vân vân) nhằm lý giải thực tại, để nắm lấy, rồi là vận dụng, cải tạo nó. Từ nay, thôi đừng có điều bí ẩn nào của vũ trụ hòng được chung cục bảo toàn, cho dù ấy có là phương trình chuyển động rơi tự do của một con quỉ ra khỏi Thiên Ðường, hay tổng số nhiệt năng mà Thượng Ðế phải phóng thích, một khi (cũng chỉ nay mai thôi) bùng nổ. (Cứ làm như chỉ cần một hệ qui chiếu lí tưởng ba thứ nguyên không cong, là đủ khiến toàn bộ chân lý lớn, chân lý bé phải lũ lượt ra đầu thú, dưới kỹ thuật thao tác hùng hồn của trí tuệ con người!).
Thế là sao?
Chẳng cần lạc quan cũng thấy, giấc mơ đại đồng (cận ảnh một Eden mới) của chúng ta chưa bao giờ đáng ganh tị đến vậy: Mọi thứ đều nhất quán, tuyệt đẹp và ngon trớn. Rõ ràng chẳng bao lâu nữa, tất cả chúng ta sẽ tề tựu giữa lòng một nhân loại, không chỉ đức độ kinh thiên, mà còn tài năng động địa.
Chúng tôi, khác nào một lũ adolescent sắp đứt đuôi, rùng mình biến hóa.
Manh nha những ước mơ, những hoài bão không vừa. Từ một điểm ở ngoài một mặt phẳng, đứa nào đứa nấy vùi đầu vào sách vở, nhăm nhăm nuốt chửng tri thức ba chiều của loài người (Cũng có cả đứa biết thân, ngốn theo hàng ký Glutaminol B6, hòng cải thiện chỉ số IQ, bằng không, rất có khả năng phải bỏ dở cuộc chơi như X60, X61,...).
Cũng manh nha cả thói sùng bái thần tượng. Mỗi đứa, tùy vấn đề quan tâm, sẽ chọn lấy để thần phục một tên tuổi, cũng chẳng vừa. Nghề nào thì cũng một vị nào tiên sư, kể làm sao xiết? Phần tôi, thuở ấy, tôi tham, tôi sùng bái tất.
Phải, tôi vơ tất. Song, sự việc không trơn tru thế. Nói công bằng, tôi chỉ chọn có hai phần ba.
Nhớ lại, vào đầu giai đoạn, tôi đã thất vọng kinh khủng. Quí vị không biết, chứ suốt mười mấy năm ròng, giương mắt dỏng tai trước cái đám nhân loại (thôi cứ tạm cho là vô hại) quanh tôi, nghe nhìn những sự nghiệp rành rành và thường trực (hàng ngày hàng giờ) của họ, tôi đã chợt hiểu ra, những Ông Thiện, những chàng Thạch Sanh thập toàn của chúng ta có vẻ sẽ mãi mãi nằm lì trong những trang sách đồng ấu (khối lúc được minh họa xanh đỏ) nọ, không đời nào đủ sức bước ra khỏi đấy, khỏi những không gian hai chiều ấy, để theo chúng tôi bước vào cái thực tại cao cấp ba chiều kích hôm nay. (Có khác trường hợp những X60, X61 không?)
Ngược lại, những đứa Ngoáo Ộp, những thằng Lý Thông thì lại hoàn toàn có thật, thậm chí nhan nhản; bọn này rõ ràng có khả năng thích ứng được với mọi cấp độ thực tại, cho dù là một, hai, hay là ba chiều đi chăng nữa. (Biết đến bao giờ chúng mới làm tròn nổi cái chức năng Chiến Bại cao quý?) Thế, kiểu này, nếu không đặt lại vấn đề, e cái cận ảnh một Eden mới của tôi, - một thế giới đại đồng, rất có thể sẽ phải dẹp đi thôi.
Vụ này khiến tôi chưng hửng mất một dạo, trước khi quay sang định hướng trở lại, gần như từ đầu. Vâng, học, học, và học. Và đọc ngốn.
Cố nhiên, tôi không có lý do gì để tiếc rẻ mớ sách vở thuở lên mười. Bây giờ tôi có thể vói đến những tầng bên trên nữa của mọi kệ sách, không cần bàn ghế. Bất kỳ cuốn sách nào đã từng tồn tại trên cái mặt cầu song song ở từng ấy độ cao so với mặt đất đều không thoát khỏi tay tôi. Tôi sẽ không liệt kê cụ thể đã học và đọc những gì đâu. Chỉ biết tôi đã nẩy ra được một sức ngốn sách khiếp kinh, bất kể hiểu hay không hiểu. Tôi có thể đọc ngang, đọc dọc, đọc ngược, đọc xuôi, đọc giữa dòng, đọc ngồi, đọc đứng, đọc nằm, đọc đi, đọc... (Ấy cũng chính là lý do khiến tôi bắt đầu phải mang cặp kiếng đáng nguyền này!)
Ai nấy bảo: Xem! Thằng ấy nó lột xác. Cũng không sai. Tôi đã đổi khác nhiều. Phen này tôi không còn ngoan ngoãn, dễ dậy vô điều kiện nữa, mà trở nên thật khắt khe. Vấn đề ở đây, một lần nữa, lại là chuẩn mực.
Vâng. Không ít thứ, trong đó, thế này hay thế khác, có liên quan đến những cặp phân cực như Chân / Ngụy, Chính / Tà, Thiện / Ác, Mỹ / Xú, vân vân, đến nay hóa ra không còn phù hợp nữa với cái cấu trúc mới này của thực tại tôi, đã phải rạn vỡ. (Trường hợp những Ông Thiện trên kia là một thí dụ). Và tôi đã phải cân đo, sàng lọc lại tất cả một cách tỉnh táo, thận trọng. Hầu hết các Ông Thiện ngày xưa của tôi (trong số, không khéo có cả quí Ngài, vâng!) đã phải chịu loại bỏ một cách mới thật oan uổng. Nhưng mà, quí Ngài thông cảm, à l'âge de raison, ai lại không đâm ra thờ ơ với những chuẩn mực Ðạo Ðức, để ngưỡng vọng những thứ khác? Tôi cũng thế thôi: Quả từ đây sẽ nghiễm nhiên ưu tiên đi vào danh sách Eden mới của tôi tất cả những thiên tài, những bác học lừng lẫy của suốt hơn hai mươi thế kỷ qua. Ðể hòng thấy họ là có thật và gần (tôi cũng cần được tự kỷ ám thị chứ?), tôi đã bỏ công sưu tập không biết bao nhiêu là chân dung, mầu và đen trắng, vuông và tròn, khổ lớn và khổ bé, - thẩy đều đóng khung trang trọng, treo lên, phân bố đều khắp, chen vai thích cánh, mỉm cười hay đăm chiêu, nhìn ra từ những mặt phẳng thẳng đứng của cái không gian lý tưởng ba chiều không cong, tôi cứ việc chiêm ngưỡng và thán phục.
Thế là, thật nhanh, niềm tin của tôi vào một thế giới đại đồng lại may mắn hoàn sinh, phải không? Lần này cũng lại không gì ngăn cản nổi tôi trên lộ trình hướng về cái đích điểm ấy nữa hết, tuy là với một thái độ khác. 
Dù sao, tôi vẫn không phải đứa có lý tưởng nhất. Trên hết, hóa ra lại là X59, Ông Cứu Thế. Ồ, quí Ngài tin hay không, tùy, chứ gã này thật sự muốn đứng trên hẳn mọi khoa học để phê phán và định hướng cho tồn tại cũng như lịch sử nhân loại (chứ không phải là bánh với kẹo,bi với thun giả đạn,hay phiếu bon point vớ vẩn, nhá!) Chọn lấy một vị khổng lồ nào đó của thế kỷ XIX làm tiên sư, gã vùi đầu vào nghiền ngẫm (cố nhiên vẫn hai tay chắp, hai mắt lim dim, không đùa!) và hốt nhiên đốn ngộ được mối quan hệ giữa Vật Chất và Ýù Thức, cũng như Lai Lịch Sinh Học của thủy tổ loài người, thế rồi lại hốt nhiên đốn ngộ thêm được biện chứng giữa Lực Lượng Sản Xuất và Quan Hệ Sản Xuất, cũng như năm Hình Thái Kinh Tế Xã Hội người ta phải tất yếu kinh qua, nhất là Hình Thái thứ năm, một Eden ra Eden (mà độ nét cũng như sức thuyết phục còn hơn cả cái Eden mới của tôi rất nhiều).
Nói của đáng tội, không thể không tin gã: Gã nhanh chóng thu nạp được hai đệ tử, hai tín đồ trung kiên: X60 và X61. Một gã giúp minh họa bằng những khẩu hiệu sang sảng, hùng hồn đến chóng mặt, chẳng hạn: Chúng-a ta-a phải-a biết-a rằng-a vật-a chất-a có-a trước-a và-a quyết-a định-a ý-a thức, hoặc:từ-a đó-a suy-a ra-a chúng-a ta-a sẽ-a tiến-a tới-a xóa-a bỏ-a người-a bóc-a lột-a người, và: rồi-a thì-a tiến-a tới-a làm-a theo-a năng-a lực-a hưởng-a theo-a nhu-a cầu, vân vân, còn gã kia giúp cho những điều ấy trở nên thuyết phục hơn bằng cách sốt sắng vác gậy ra đường, sẵn sàng phang chết bất cứ đứa nào dám phản bác.
Một bộ ba Tướng Sĩ Tượng đẹp kinh khủng, đúng không? Không hiểu cái Học Thuyết kia của vị tiên sư thế kỷ XIX có được đến ba chiều kích? Chỉ biết, đến tay Ông Cứu Thế vận dụng sáng tạo, nó hóa ra bẹt, dẹp, phẳng lì và nhẵn thín, nghĩa là rất vừa tầm thưởng thức cho Nhà Hùng Biện; rồi đến lượt Nhà này phụ đạo lại cho Nhà Hộ Giáo Ðộc Ðạo Nghiêm Túc, nó lại một lần nữa biến hóa, để chỉ còn là những điểm nút, những đoạn thẳng hình gậy, hình que, không hơn. (Còn một khi đã ở trong tay Nhà Hộ Giáo, Chân Lý trở nên hoàn toàn vững vàng không gì lay chuyển nổi, bởi lẽ Nhà này suốt đời không bao giờ đủ sức đặt một dấu hỏi; lý do đơn giản: Một dấu hỏi, dù bé nhất, cứ trông cái độ cong tạo hình của nó cũng thấy ngay được, phải thuộc về một không gian ít nhất hai chiều, nghĩa là đã vượt quá tầm với của Nhà!).
Ngay cả X38 cũng sợ người anh em song sinh của gã phang chết. Tốt hơn hết, gã cứ câm khi người ta hỏi đến, cứ ngủ trong giờ... (Vả, gã cũng chưa bao giờ có ý định chọn lấy một ai để sùng bái hay phản bác. Ðối với bộ sưu tập các bác học và thiên tài của tôi, cũng như đối với vị tiên sư khổng lồ của Ông Cứu Thế, gã xem như không tồn tại).
Không buồn tham gia trò chơi còn có cả X43 và X13. Gã Nỗi Buồn Thế Kỷ kia vẫn thần sầu, vẫn buông thõng một tiếng Chán! cộc lốc vào suốt những không gian một, hai, hay ba chiều của thiên hạ, và cố nhiên, vẫn uể oải lánh vào chỗ phải lánh, mỗi bận có ai gọi đến. Còn gã Cơ Vòng Hậu Môn quí hóa nọ, vào giai đoạn này, tôi không thể lờ đi được; thiếu ít nữa tôi đã cho gã một trận nên thân.
Hôm ấy, chẳng hiểu quỉ tha ma bắt làm sao, gã tọt vào tham quan khu Eden thể nghiệm bằng giấy của tôi. Ðể làm gì? Vừa đủng đỉnh rảo qua từng chân dung một, gã vừa sang sảng bình luận bằng hậu môn. Chao, một gã vô lại, còn hiểu được thế nào là biểu tượng một thế giới đại đồng, thế nào là chỉnh thể một không gian ba chiều không cong, với những trận đồ chân dung thần tượng? Không nhiều lời, tôi vớ lấy cái chổi, quét ngay gã khỏi cửa, gã, quân ngoại đạo. (À, chẳng cần mướn đến X61, tôi cũng thừa biết cách tuyên xưng đức tin bằng bạo lực!). Trò này cũng phải thôi. Giai đoạn tuổi thơ với đức tin mặc nhiên không cần tuyên ngôn đã qua rồi, từ nay chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm chăm lo bảo vệ đối với một niềm tin, đối với một nhân loại, đối với một...
Nhưng mà, khoan hẵng, cho tôi thở lát hẵng. Tạm thời, cứ biết giai đoạn ba của chúng tôi cũng không kéo dài mãi; tôi luôn phải trở về với bổn phận chính: Tiếp tục học, học, và học. Vâng, và đọc ngốn. Tôi đã tự ra hạn, phải kịp đi vào danh sách nhân loại mới của chính mình trước khi thế kỷ XX này khép lại.



BẨY

Anh thuốc men ra sao? Hy vọng khỏi bệnh không? 
Không biết nữa. Chả thấy gì khá hơn cả. 
Régime dành cho anh thế nào? 
Dễ. Thời gian đầu là Valium 10, Halopéridole, ... 
Không, cái đó thì ai cũng như nhau. Tôi muốn hỏi hôm nay kia. 
Lại càng dễ. Mỹ Học Nhập Môn ngày ba lần, lần hai trang, đọc chậm rãi. Nhưng tao vẫn không hiểu để làm gì. Tao tưởng cái đó chỉ để cho bọn X28, X29, X30,...? 
Thế anh nghĩ, người ta có thể chỉnh đốn lại cơ vòng hậu môn, mà không cần đến những khái niệm Mỹ Học à?
Thế còn mày? 
Hơi mệt đấy. Dialektichesky i Istorichesky Materializm thế kỷ XIX ngày ba buổi, buổi một trang, đọc từ tốn. Lại Bàn Về Nọc Ðộc Của Rắn ngày một lần, lần một chương, buổi chiều. Tây Dương Gia Tô Giáo Bí Lục tuần một lần, trọn bộ. 
Có thuyên giảm gì không? 
Không. 
Thế sao mày không bị làm cho biến đi như thằng X49 vừa rồi? 
Tôi không biết. Có lẽ tại họ chưa điên tiết, thế thôi. 
Nghe nói mày cũng đã trải qua ba lần đại phẫu cơ mà? 
Vâng. 
Kể xem, được không? 
Ờ, thì hết ba lần tôi được đem đi. Có cỗ xe song mã mầu trắng chở tôi đến địa điểm tiến hành giải phẫu. Thoạt, bẩy góa phụ đen tiêm thẳng vào thất khiếu để gây tê, rồi một dũng sĩ bọ ngựa ra sức chém vào đỉnh đầu. Hộp não liền mở: Không có máu. Chỉ thấy một giòng mủ, bắt đầu chẩy xuống. Bác sĩ, cả thẩy ba vị, lạnh lùng ghi nhận: Từ Plat, Aris, đến Desc, từ Desc đến Kan, từ Kan đến Heg, từ Heg đến... Ồ, không biết cơ man nào là mủ xám. Ðấy là lần thứ nhất. 
Bệnh nhân nhẹ hẳn người chứ? 
Chẳng nhiều đâu. Có một thời những tên tuổi chói ngời ấy của Phương Mặt Trời Lặn đã khiến tôi sửng sốt Song tôi đã sớm thất vọng, thấy họ chỉ là những tiên tri giả, hoài công chẻ sợi tóc làm tư, chứng minh sự chính xác của những mệnh đề lưỡng giá trong một thế giới đa giá thế này, hoài công phá đổ đi, xây dựng lại không biết bao nhiêu mê cung nguy nga, lộng lẫy, song chẳng dẫn đến đâu, chẳng dùng được để làm gì ngoài những câu chuyện salon, trong khi đó, điều mà tôi tin là ý nghĩa thật sự của đời người thì lại bị bỏ quên, gạt sang một bên lề. Không, không phải họ, hay những phát hiện của họ, mà tôi có thể chọn lựa. Ðã lâu rồi tôi không còn xem họ là nặng ký nữa. 
Thế lần thứ hai? 
Lần thứ hai, chẳng còn mủ, nhưng lại không biết bao nhiêu là máu, đỏ đen lẫn lộn, tuôn xối; tất cả được hứng vào một cái máng lợn, đem đổ xuống cống rãnh: Kim Dz, Shakes, Dost, Hess, Kazant, Saroy, Faulk, Hem, Stein, Saling, Mill, Exup, Whit, vân vân. 
Lần này hẳn mày nhẹ người? 
Vâng, hao hụt nhiều. Những tên gọi ấy, những kẻ đã sống, đã khát vọng thể nghiệm cái ý nghĩa bất tuyệt của giòng đời tuôn chẩy, mà dầu cho thế này hay thế khác, - hoan lạc hay thống khổ, cuồng nộ vỡ lở hay chỉ còn lại câm lặng như lá cỏ trên mồ, thì tôi, hay bất cứ một độc giả kinh nghiệm nào, cũng có thể nhận biết, không bao giờ lầm lẫn. 
Ha! 
Nhưng dù sao tôi cũng chẳng tiếc nhiều đâu. Lúc này tôi đòi hỏi một điều gì khác hơn, một giải pháp, một câu trả lời. 
Rồi sao? Lần đại phẫu thứ ba? 
Lần này chỉ còn lại những thông điệp: Câu trả lời cho cái khát vọng muôn đời kia, nhưng là theo truyền thống của Phương Mặt Trời Mọc, Nhất Nguyên, bất khả tư nghị; hầu hết đã có mặt từ ít nhất hai mươi thế kỷ: Phật, Lão, Khổng, Kitô,... hoàn toàn vi tế giữa các thớ não, các bác sĩ phải tạm để đấy, chờ hóa giải bằng một công thức hiện đại của Phương Mặt Trời Lặn thế kỷ XIX. 
Ha! Ha ha ha ha ha!!!

Suỵt! Khẽ mồm chứ!



TÁM

A, nhất định là tôi đã trở thành một cái gì đó, chẳng hạn một học giả vĩ đại; nếu không, thì một nhà tuyên xưng đức tin vĩ đại; nếu không nữa, một nhà cách mệnh vĩ đại; còn không nữa, một nhà tư tưởng vĩ đại, hay một nhà hoang tưởng vĩ đại (có gì khác nhau ?)... Nhưng mà, đã kịp xảy đến một biến cố lớn, có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ quá trình của nhận thức tôi.
Tôi muốn nhắc đến cơn đói năm 20 tuổi.
Không, bấy giờ kỳ hạn của tôi vẫn chưa hết: Thế kỷ XX này còn đang mở ngỏ, nhẩn nha chờ ngày tôi bước vào danh sách của một nhân loại mới. Tôi nhớ, mọi sự lại đang nhất quán, tuyệt đẹp, và ngon trớn, dù là với một viễn ảnh khác, một nội dung khác, một gia tốc khác, còn tôi thì mới tròn hai mươi, vừa kịp học và đọc ngốn lý thuyết về một cơ cấu thực tại bốn chiều, có độ cong, lòng đầy nghi vấn. Ở đâu ra con số bốn nọ, thôi cứ tạm cho. Nhưng còn độ cong kia? Tôi chưa đặt xong câu hỏi thì nó đã lừng lững đến, - cơn đói, trang trọng như một nhân vật chính, kích thước lớn lao, đi vào thời điểm đó của cuộc sống, choán lấp hết cái tháp ngà ba chiều không độ cong của tôi, đồng thời tát cạn cả cái ý nghĩa thâm trầm của những trận đồ chân dung ngẫu tượng, cùng với bao thư viện, bao kệ sách.
Trước hết, và tức thời, tôi nhận ra mối đe dọa khổng lồ đối với tồn tại mỗi người, và tự động đình chỉ mọi nỗ lực đã và đang đầu tư cho một giấc mơ đại đồng. Từng ấy chân dung kèm danh sách những thiên tài, những bác học lừng lẫy của suốt hơn hai mươi thế kỷ, vụt một cái, lùi ra sau hậu trường của ý thức, chẳng kịp cầu viện nơi tôi hành vi thể hiện trách nhiệm đối với một …
Tôi quên cả xấu hổ. Lần đầu tiên vấn đề bỗng hiển hiện nguyên vẹn cho tôi như một điều vô nghĩa nhất, vô nghĩa đến sững sờ.
Mà không, chẳng thiếu những thứ đối với tôi lúc ấy cũng đã trở nên vô nghĩa, hoặc hồ đồ quá. Chẳng hạn, tôi nhớ, suốt giai đoạn đó tôi đã không thể phân biệt nổi thời gian với nó, cơn đói: Cả hai đã tranh giành nhau làm biểu tượng cho cái chiều kích thứ tư vừa được khám phá của tôi. Cả hai đều lê thê bất định. Cả hai đều kiên trì thấm nhập và xói mòn tồn tại,... Chỉ về sau, tôi mới nhìn rõ tầm vóc vô địch của cơn đói. Thì ra nó, chẳng buồn chia sẻ quyền lực với ai, đã một mình tiến hành lịch sử: Một mình nó đã qui định đến từng chi tiết cho sinh hoạt ngày, ám ảnh cả những giấc mơ đêm, câu lưu mọi hoài bão, bạc đãi hết thẩy những giá trị không thể thẩm định bằng dạ dầy, đầy biệt xứ bất kỳ nhu cầu nào xa xỉ hơn là cơm cháo,... Chỉ còn lại nó, một mình, không đối thủ.
Dù sao, tôi cũng đâu có thì giờ để sững sờ? Trực giác thầm bảo tôi, ấy không phải là lúc để bận bịu với một câu hỏi, một vấn đề. Nơi chấm dứt của một cơn mơ ba chiều, quí Ngài cũng biết đấy, làm gì còn chỗ cho điều gì khác hơn là cái mệnh lệnh tê buốt : Tồn tại!
Vâng, cộc lốc và tê buốt: Tồn tại!
Sẽ chẳng ai nghĩ ra, sẽ chẳng trí tuệ ba chiều nào trả lời được cái câu hỏi: Làm sao chúng ta đã có thể chu toàn mệnh lệnh?
Phần tôi, đã làm gì?
Nếu từ trước giờ, điều tôi chủ yếu làm là học, và đọc ngốn, thì bây giờ, là vật vã tìm kiếm cái gì để cho vào mồm, nhai.
Không phải chỉ có mỗi tôi, mà đối với tất cả, điều đó mặc nhiên đã trở nên con đường duy nhất đúng để tự duy trì và khẳng định.
Tôi ăn, vậy tôi là.
Ngài ăn, vậy Ngài hiện hữu.
Họ ăn, vậy họ tồn tại.
Cứ ngỡ như chỉ còn điều ấy là nhân bản, điều ấy là cao cả, xứng đáng với tên gọi con người, còn lại, hết thẩy đều ngang hàng gốc cây ngọn cỏ, hết thẩy chỉ vừa tầm ước mơ cho loài bò sát. Thực tại đã hóa đơn giản biết mấy: Mọi chiều kích đều được giản lược, chỉ còn lại một, trương nở độc quyền trong cái dạ dầy trung tâm, nối liền hai cửa khẩu bơ phờ: Miệng / Hậu Môn, luôn bị đe dọa thất nghiệp. Mà lại không thất nghiệp thật sao chứ, ít ra là đối với X13, Cơ Vòng Hậu Môn; lúc này gã mới chịu im ắng hẳn đi.
Áp lực của cơn đói thật tồi tệ. Ngay từ đầu, khối kẻ đã lăn ra bệnh với những hỗn danh hỡi ơi. Thô thiển nhất là X03 - Ðứt Dây Thần Kinh Thẹn, X05 - Mất Khả Năng Phân Biệt Chủ Thể Sở Hữu Các Sự Vật, hay X08 - Tham, vân vân. Mà, những gã này trước đây đâu phải là không đạo đức? Trái lại, thậm chí quá đạo đức.
Nếu tôi không ngã bệnh, cũng chỉ là may mắn thôi. Ðã có lúc tôi phải cho vào mồm những thứ chẳng đáng gọi là thực phẩm; lại có lúc không còn gì để nhai, đành ôm bụng rỗng. Song về sau, tôi vẫn buộc lòng thừa nhận: Cái đói không hề là bạo chúa, trái lại, nó như một vị Ðại Tiên Sư, mà những bài học khó có gì sánh nổi. Nó không chỉ nhắc nhở cho thiên hạ biết họ có một cái dạ dầy, cũng không chỉ giúp người ta không bao giờ mất ngon miệng, mà nó còn đem lại bao khải thị, bất ngờ và bi tráng đến làm sao!
Thứ nhất, nó đã cho thấy thế nào là một cõi người ta bốn chiều với độ cong khác không: Ở đó, toàn bộ cái cơ ngơi nguy nga, xây dựng trên những nền tảng nhẵn nhụi và chắc nịch: phép cộng Hai-Với-Hai-Là-Bốn, tiên đề Euclide, luật Newton, logic Aristote, vân vân, đã trở nên dị dạng, vô nghĩa, trước tra vấn của tồn tại, hơn nữa, tồn tại với một cái dạ dầy. Hết thẩy những chân lý lớn, chân lý bé, mà cái công trình kia hứa hẹn, bỗng hóa ra xa xỉ đến vô dụng, chẳng đáng đánh đổi lấy một thìa cháo. Trong khi ấy, chưa bao giờ thực tại lại tự biểu hiện hầu như chỉ thuần với những nghịch lý ngồn ngộn như thế: những phép cộng Hai-Với-Hai-Hiếm-Khi-Là-Bốn, những tiên đề phi Euclide, những luật phản Newton, những logic đa giá, phản đồng nhất, bất khả triệt tam, et cetera, đầy thách thức, đầy ngạo nghễ... Thế thì thôi nhé, mặc các thiên tài cứ việc phác thảo mô hình cho những Eden lý tưởng ba chiều không cong, ngày càng lộng lẫy và diệu kỳ, mặc các bác học cứ việc phát hiện lịch sử từng mm3 vũ trụ, ra sức lập phương trình cho chuyển động rơi tự do của mọi con quỉ ra khỏi Thiên Ðường, hay ước tính tổng số nhiệt năng mà Thượng Ðế sẽ phóng thích một khi, cuối cùng, phải bùng nổ... Những điều ấy từ nay tôi xin phép thôi không bận tâm.
Như thế có đáng tiếc không?
Chỉ tội nghiệp làm sao cho niềm tin (nếu còn gọi được như thế) của tôi. Vốn đã khiêm tốn lánh vào một xó xỉnh nào (chắc là cùng một lúc với đợt co thắt thứ bẩy của dạ dầy?), thì đến lúc này nó hẳn không thể không tự biết mình lạc loài. Những gì tôi đã từng chiêm ngưỡng và thán phục giờ đây chỉ còn được tìm thấy là xa lạ. Ít nhất ấy cũng là cảm tưởng của tôi trong một khoảnh khắc nọ, bất giác ngoảnh lại, bắt gặp cái chỉnh thể Eden bằng giấy, ngổn ngang những chân dung cùng sách vở. Kìa, tất cả vẫn còn đấy, vẫn thừa Trí Tuệ và Thẩm Mỹ, vẫn mỉm cười hay đăm chiêu, nhìn ra từ những mặt phẳng thẳng đứng của cái không gian lý tưởng, song than ơi, có biết gì về cái thế giới nghịch lý của tôi lúc này? biết gì về một chiều kích thứ tư mà biểu tượng vẫn chưa thể ngã ngũ ra được là thời gian hay là cơn đói? và hơn nữa, biết gì về cái mệnh lệnh cộc lốc và tê buốt của tồn tại hôm nay? Chẳng hiểu sao bấy lâu tôi đã có thể nằm mơ chia sẻ một thế giới đại đồng với những thần tượng như thế, - hoàn hảo và bất khả xâm phạm đến tàn nhẫn, - chẳng hơn gì những tồn tại thuần sự vật!
Dù sao ấy vẫn không phải bài học duy nhất tôi đã lãnh hội từ cơn đói. Ðiều sau đây nó khải thị còn bất ngờ và bi tráng hơn: Lòng căm thù. Ồ vâng, về chuyện này, tôi có cần nhắc lại mạch lạc hơn không? E quí Ngài lại không nhớ rõ hơn ai hết á? Phải, ngày ấy, ngay giữa vũng xoáy của cơn đói, đã xuất hiện X59 - Ông Cứu Thế, cùng hai môn đồ trung kiên, X60 và X61, uy nghi như một con mắt bão.
Ðúng lúc tôi cùng với niềm tin sắp sửa bị nhận chìm thì X59 bỗng mở mắt và giang tay (vẫn không đùa, cố nhiên!), đề xuất cho tất cả mọi người một cận ảnh Eden mới, -Eden collectif : một mô hình tổng hợp mới, mà trình độ và công cụ, lực lượng và quan hệ xây dựng không đòi hỏi gì hơn là những búa, những kìm, những đinh, những ốc, những cưa, những đục, những đẽo, những bào, những cày, những bừa, những xẻng, những cuốc, những mai, những thuổng, những hái, những liềm,... còn mỗi thành viên thì chỉ cần hội đủ hai (và chỉ hai) tiêu chuẩn định tính này: Ðói / Căm thù. (Có đúng lai lịch sinh học của thủy tổ của X59 đã đóng ấn lên toàn bộ tư duy lí luận của gã không? Ai đó đã buột mồm hỏi, tôi nhớ.)
Ðói thì tốt làm sao, ai cũng biết rồi. Ngày nào, từ một cái loa công cộng đâu đấy, lại chả sa sả cái giọng cực tốt của X60 đạo văn Phúc Âm của Luca, chương ấy, đoạn ấy, câu ấy: Phúc-a cho-a ai-a đói-a khát-a vì-a thế-a giới-a mới-a đại-a đồng-a là-a của-a họ, còn-a khốn-a cho-a các-a ngươi-a là-a những-a kẻ-a đang-a no-a đầy-a sung-a túc-a vì-a ấy-a là-a tha-a hóa-a là-a phản-a...
Nhưng còn căm thù? A, lần đầu tiên tôi mới vỡ lẽ, Eden sao mà nhiều kẻ thù. Cũng lại vẫn X60 mỗi ngày nheo nhéo nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác với kẻ thù đủ loại (loại nào cũng thâm độc): Chung-a riêng-a gần-a xa-a trong-a ngoài-a tả-a hữu-a ngày-a đêm-a sau-a lưng-a trước-a mặt-a trước-a mắt-a lâu-a dài-a tinh-a vi-a thô-a thiển-a lẩn-a quất-a công-a khai-a khoan-a nhượng-a được-a không-a thể-a khoan-a nhượng-a trên-a trời-a dưới-a đất-a ngoài-a biển-a quá-a khứ-a hiện-a tại-a tương-a lai-a đã-a đang-a và-a sắp-a dãy-a chết-a vân-a vân.
Thôi hãy khoan hỏi gã này đã đào đâu ra đủ năng lượng cho một sự nghiệp hùng hồn đến chóng mặt thế, cũng như hãy khoan hỏi, tại sao căm thù lại nghiễm nhiên trở thành một yêu cầu triệt để và sâu sắc của một Eden mới như vậy?! Quí vị không chịu hiểu? Chậm hiểu? Chả sao hết: Ðã có cây gậy của X61 - Nhà Hộ Giáo Ðộc Ðạo Nghiêm Túc, giúp cho mọi chân lý hóa ra dễ hiểu.
Không bao giờ tôi quên được, chính vào thời điểm này, X13 - Cơ Vòng Hậu Môn đã phải nhập viện. Gã cũng là một trong những đứa đầu tiên được đem vào đây giao cho quí Ngài điều trị ở Khu Nội Trú này. Ngày ấy, âm ỉ tích cóp được năng lượng từ đâu chả hiểu, gã đã lanh lảnh đánh liền ba phát rắm thượng hảo hạng vào đúng lúc bài diễn văn của X60 đến hồi hùng hồn, cảm động nhất. Cố nhiên rồi, đấy là dịp quá tốt để X60 đào đất đổ gã đi: Nhà Hộ Giáo X61 đã trỏ phắt cây gậy vào Cơ Vòng Hậu Môn: Ðấy, người bệnh! Một toán áo trắng lập tức vây ào đến. Và thế, gã được đem đi.
Cũng may mắn thay cho tôi, vẫn không ngã bệnh.
Như vớ được cọng rơm, tôi đã đâm ra tận tụy với cái việc căm thù kia biết mấy. Cũng hệt trước đây đã từng tận tụy với cái chỉnh thể Eden bằng giấy vậy. Ðể bù lại phần nào cái khoản trống rỗng của một niềm tin vừa phá sản? Quả cũng có lúc cái áp suất tạo nên nhờ một mối thù công cộng nào đó rất có thể khiến cho bầu khí hậu, ít hay nhiều, dễ chịu hẳn, chẳng kém cái bầu khí của một giấc mơ đại đồng. Dù thế nào, tôi cũng không chối là đã đáp ứng hết lòng cái yêu cầu triệt để và sâu sắc ấy của một Eden mới. (Tôi cũng có quyền là một thằng hèn chứ?) Vâng, có thể tưởng tượng không, tôi đã vận dụng đến nơi đến chốn lòng căm thù, phân phát nó cho từng đối tượng một cách chính xác và đúng mực đến thế nào. Dù có hay không có miếng nào vào bụng, tôi cũng vẫn kiên cố như vậy. Kẻ thù thì nhiều, lại đa dạng (thì đấy, vẫn được X60 nheo nhéo, có lúc tru tréo, cảnh giác mỗi ngày: Có ít nhất không dưới ba mươi sáu phạm trù bất cộng đái thiên cả thẩy), thừa sức thay thế cho cái danh sách một nhân loại mới của tôi hôm qua.
Mãi tôi vẫn chưa quị ngã, đối diện với từng ấy kẻ thù. Chỉ sút nhiều kílô, héo quắt lại. X59 cùng các môn đồ yêu dấu thì cứ người thủ thỉ kẻ sa sả: Nào-a cố-a lên: Chúng-a ta-a sắp-a về-a đến-a đích. Thế-a giới-a mới-a đại-a đồng-a chỉ-a còn-a cách-a có-a một-a bước. Còn tôi thì đã bủn rủn cả người, hoa cả mắt.
Còn những một bước? Thôi, không kịp rồi. Tôi tự nhủ. Cho đến một hôm tôi bỗng dưng không còn phân biệt được đâu là đói với đâu là căm thù nữa. Chiều kích thứ tư của tôi bây giờ nặng trĩu, cong oằn dưới trọng lượng của một biểu tượng tam trùng: Thời gian / Cái đói / Căm thù. (Tôi suýt tưởng thực tại có được một độ cong khác không là bởi chính lý do này đấy, trời đất!). Vâng, còn tôi thì đã bủn rủn cả người, hoa cả mắt,...
. . . . .
Hôm nay nhớ lại mới hiểu, chưa bao giờ tôi đã ở vào một tình trạng hiểm nghèo đến thế: Từ ấy đến chỗ loạn trí chỉ còn có nửa bước. Cơ mà, tôi đã thoát hiểm. Nhờ đâu?
Ồ, thưa quí Ngài,
Nếu tôi có phải cảm tạ cái đói kia vì một lý do nào khác nữa thì ấy cũng chính bởi nó, đúng vào cái khoảnh khắc hiểm nghèo này đây, đã bằng một đợt công hãm quá đà, khiến tôi đột ngột mất trí nhớ.
Phải, tôi đã tạm quên phắt từng ấy sự việc trên đời, quên phắt đã có một niềm tin thình lình phá sản, quên cả bầu áp suất dễ chịu của một mối thù đại đồng, kèm theo cái danh sách lê thê của ít nhất ba mươi sáu phạm trù bất cộng đái thiên, đeo cong oằn cả cái chiều kích đệ tứ của một ... Vâng. Quên. Quên. Và … Quên!
. . . . . . . .
. . . . . . . .
Cuối cùng, còn lại gì ? Có lẽ không nhiều. Chỉ vừa đủ để trả lời cho cái mệnh lệnh tối thượng , không đòi hỏi nhiều trí nhớ: Tồn Tại!
Tôi sẽ không bảo ấy là kỳ công, song nói cho công bằng, chẳng phải bất cứ ai cũng có thể quên đúng mực thế. Vẫn thường được nghiệm rằng: Ai không quên, người ấy trả giá, nhưng mà, cũng rất đúng cả điều này nữa: Ai quên quá mức cho phép, xin trả giá gấp đôi. Tôi biết, có ít nhất hai ca đã phải đưa vào đây điều trị: X19 và X20. Vào thời điểm đang kể đây, gã X19 nọ, thay vì phải quên, đã khư khư giữ chặt lấy mọi thứ trong đầu, trong khi X20 kia, lẽ ra chỉ quên vừa đủ, lại đi rũ sạch bong ký ức. Thế thì cũng rất phô, đúng không? Dạo đó, cả hai đã phải một phen chữa chạy. (Nếu tôi không lầm, họ đã khỏi rồi chứ, nhưng chẳng hiểu sao vừa qua đã thấy trở vào đây với bệnh trạng hoàn toàn trái ngược: X19 - Quên Nhiều Quá, còn X20 - Nhớ Quá Nhiều. Họ đã lạm thuốc à?).
Dù sao thì dù, cả phen này nữa, tôi cũng thừa may mắn, không phải điều trị. Cây gậy thần của X61 vẫn chưa trỏ đến tôi.
Vào cuối giai đoạn này, khi trí nhớ tôi dần hồi phục, trận đói vẫn còn đó, vẫn kiên trì làm một với thời gian, làm một với lịch sử, song đã hết gay gắt, và có cơ chuyển sang mãn tính. Mọi sự thì hầu như vẫn thế, ngổn ngang, bề bộn giữa những nghịch lý đầy thách thức, đầy ngạo nghễ, mà nguồn gốc cỗi rễ vẫn còn nguyên vẹn là một bí ẩn sáng thế đối với tất cả, chẳng khác gì câu hỏi về cái độ cong của thực tại. Riêng mối thù đại đồng là biến dạng, hạ áp đi rất nhiều; thôi thì, năng lượng vẫn còn khan hiếm tồi tệ, cũng nên tạm miễn cho nhau cái tiêu chuẩn định tính rất đỗi tổn sức kia, khi xét tuyển các công dân mới cho một Eden mới, phải không?
Phần tôi, thế kỷ XX vẫn chưa kịp khép lại; nhưng bây giờ còn gấp rút nữa làm quái gì?



CHÍN                                                                                           

Phen này e nó cũng phải phẫu thuật như mày?
Ai? 
X49, chứ ai. 
Chưa chắc. Nó đã ngốn nhiều, nhưng phần lớn vẫn chỉ là kiến thức giáo khoa. Chưa kịp động đến tầng hai của thư viện thì đã bị trận đói cuốn đi, nó thề không đọc nữa. 
Mày nói, nó chê sách hử? Tao cho chỉ tại đói. Lúc ấy chỉ còn có ăn. Je mange, donc je suis. I eat, therefore I be. Ai cũng thế. Ai cũng bước vào phòng ăn, kính tín như một tín đồ bước vào thánh đường, nhưng xong rồi, thì đâu lại vào đấy. 
Nhưng thằng ấy đã không thể đâu lại vào đấy. 
Thế tao hỏi, cái công thức của nó ở đây lâu nay là gì? Giấy vệ sinh chắc? 
Thì đã đành cũng lại là sách, như anh, như tôi thôi. Nhưng tôi biết, nó chỉ để mắt cho qua. Nhất định, nó chỉ đọc vờ thôi. Vả, anh không hiểu, vấn đề của nó không phải là đọc hay không đọc, mà ở chỗ khác. 
Chỗ nào? 
Nó bị nhiễm độc nhị nguyên của Phương Mặt Trời Lặn. 
Nói cho sang thôi, chứ đứa đếch nào chả nhị nguyên. Không nhị nguyên thì làm gì có thế giới văn minh? 
Cứ cho là như thế. Nhưng mà, ấy chỉ là nẻo đi. Người ta phải biết cả lối về. 
Lối về là cái quái gì? 
Nhất Nguyên ấy. 
Với tao, điều ấy vô nghĩa! . . . Còn mày, ê, đã được giải độc, mà cũng phải vào đến đây thôi? 
Ðúng. Nhưng ai mà chả phải một lần vào đây? Chính bởi vậy, con đường truyền thống của Phương Mặt Trời Mọc đó đối với tôi lại càng trở nên thiết yếu. Giả dụ không kịp tìm thấy nó, ắt chỉ một phen đại phẫu cũng đủ làm tôi tiêu vong. Chắc anh cũng thừa biết, cái thuận lý nghiêm nhặt của một thằng điên còn khủng khiếp gấp bội, so với bao nghịch lý khác trên đời. 
Ha! Rốt cục, chẳng hóa ra, an toàn nhất ở đây, lại là mày? 
Làm gì được vậy? Cố nhiên có một đứa, tạm gọi được là an toàn nhất, song theo mọi cách hiểu, vẫn không phải tôi. 
Thế thì ai? 
Anh đoán xem. Cũng chỉ trong phòng X này.



MƯỜI                                                                                                

Thế, tôi còn nhớ mình thuộc số những kẻ cuối cùng rời khỏi cái bàn ăn vĩ đại. Tuổi đã hăm lăm.
Cũng đã khởi sự cho tôi chặng đường sau hết. Nhưng mà, tôi chẳng buồn chuẩn bị. (Ðúng thế không, có gì để gấp rút nữa đâu?) Tôi còn tự cho phép ngồi nán lại, tò mò nhìn mọi người xô ghế đứng lên với bao thái độ lạ lùng.
Họ vẫn đủ số, nhân loại của tôi. Chẳng ai đã chết trong suốt thời kỳ thịnh trị của cơn đói. Bây giờ tất cả lại hoàn hồn, gượng nhẹ gom góp mớ năng lượng tả tơi, đầu tư cho những công việc, những sự nghiệp riêng. Dù sao mỗi người ít nhiều đã thấm thía bài học của nó, cơn đói; từ nay sẽ luôn in đậm cái dấu ấn của bậc Ðại Tiên Sư trong mọi hoạt động con người, đa dạng đến đâu cũng thế thôi.
Ðầu tiên rời khỏi bàn ăn là một nhóm với vẻ quả quyết. Song, lại chỉ để sà ngay vào một bàn uống.
Quí Ngài sẽ bảo thế là lố bịch ư? Chẳng qua họ chỉ chứng minh thêm lần nữa: Ý nghĩa của tồn tại chỉ có thể được tìm thấy ở đâu đó trong ẩm thực. Chưa chắc vừa rồi họ đã bị thử thách khắc nghiệt hơn tôi, đã phải cho vào mồm nhiều hơn những thứ chẳng đáng gọi là thực phẩm, hay phải trải qua lắm hơn những phen ôm bụng rỗng. Chủ yếu chỉ vì ở những kẻ này, qua giai đoạn vừa rồi, thực tại đã vĩnh viễn giản lược thành một chiều kích, nối liền hai cửa khẩu: Miệng / Hậu Môn, bơ phờ hay không bơ phờ.
Nhóm thứ nhì, những nhân vật còn quả quyết hơn, lao vào trò chơi lớn: Săn tiền.
Quí Ngài sẽ khó tìm được nỗi đam mê nào hơn thế. (So sánh về mức độ triệt để và sâu sắc, mối thù đại đồng trước đây chẳng là gì hết!) Ðáng nói nữa, nhóm này dường như được ngưỡng mộ hơn cả (ngấm ngầm hay công khai). Không thiếu kẻ xem họ là minh triết nhất. Thì đấy, phải thủ đắc một bản lãnh nhận thức phi phàm thế nào về Thực Tại Chiều Kích Luận thì họ mới có thể hóa giải thành công bao nghịch lý, bao phép cộng Hai-Với-Hai-Hiếm-Khi-Là-Bốn, bao tiên đề phi Euclide, vân vân, đầy thách thức, đầy ngạo nghễ, và buộc tất cả phải phục vụ cho sự nghiệp làm bão hòa các túi lớn túi bé của mình, đúng không? Tuy nhiên, vẫn có kẻ đánh cuộc, thực chất nhóm này cũng chỉ là một biến thể của nhóm trước, nghĩa là cũng sẽ thay nhau kế thừa cái điểm hẹn của những X03, X05, X08... hôm qua.
Thứ ba, nhóm của những kẻ đã kịp triệu hồi một nhu cầu rất trọng đại, vừa rồi phải tạm lưu đầy biệt xứ : Truyền giống.
Xin phép gọi thế, cho chính xác và bình đẳng với muôn loài, cho dù con người ta vẫn không đồng tình với cái lẽ giản dị ấy; hầu hết cứ phải vẽ vời cho nó một bộ cánh nên thơ mệnh danh này khác. À không, xin các trạng sư của thần Cupidon hãy khoan lên tiếng. Ở đây tôi không có ý bảo ai phải đọc qua Métaphysique de l'Amour, không buộc ai phải thừa nhận mình bị đánh lừa bởi mệnh lệnh của chủng loại, hay bị gène xỏ mũi gì gì cả; chỉ yêu cầu chúng ta hãy tỉnh táo lên một chút, và đừng có thẹn chữ. Vâng, chúng ta hãy tỉnh táo lên một chút, nếu không sẽ đừng mong kiểm soát, đâu là lòng nhiệt thành chu toàn nghĩa vụ đối với giòng chủng, làm sao để nối dài được mãi những thế hệ sánh vai nhau trên bảng phân loại các động vật cao cấp hạng nhất hay góp mặt vào một giấc mơ đại đồng giữa cõi người ta, với đâu là thói hào phóng phân bố nòi giống cách vô tội vạ, rốt cuộc chỉ làm tăng gia tốc, hướng về cái đích nhân mãn của đầu thế kỷ XXI.
Ngày ấy, không ít kẻ đã gia nhập nhóm này, đúng không? Cố nhiên rồi. Sau mỗi biến cố nghiêm trọng như binh lửa hay cơ hàn, mệnh lệnh của chủng loại bao giờ lại chẳng phải một phen độc đoán và hàm hồ hẳn lên?! 
Ðứng dậy khỏi bàn gần như cùng lúc với nhóm vừa kể là một nhóm khác, mặt mũi xanh xao. Nhóm này tôi biết rõ, rõ đến nỗi đoán ngay được điều họ sắp làm: Ði và vùi đầu vào nơi mà tôi đã rời bỏ, - những thư viện, cùng với bao kệ sách. Thật đấy, họ lại học, học và học. Vâng, và đọc ngốn. Vừa qua, họ đã trở nên xanh xao quá, không chỉ tại đói, mà còn bởi vẫn âm ỉ cái hoài bão vốn đã ngỡ phải câu lưu vô thời hạn này đấy.
Tôi đã nhìn theo cho đến khi họ, đầy vẻ kính tín, mất hút hẳn vào những không gian ba chiều không cong ấy, mà không khỏi thở ra. Ngày trước tôi cũng đã từng thế, phải không? Giờ đến lượt họ. Thôi thì ai nấy cứ việc tiếp tục cái quá trình tiến hóa dở dang của mình. Cầu mong cho họ, đã có cái âm hưởng mãn tính của trận đói theo phù hộ độ trì, sẽ chẳng có lí gì để phải mò mẫm trong mớ trận đồ lí tưởng bằng giấy kia lâu hơn tôi.
Thuộc nhóm thứ năm là những kẻ quay sang trò chơi sáng tạo. Phen này, chuẩn mực ưu tiên là Thẩm Mỹ, một trong những giá trị từng chịu bạc đãi nhất trong suốt giai đoạn vừa rồi.
Thật đáng kinh ngạc! Mỹ cảm là cái gì, mà lại có thể trung thành với một số người đến thế: Chỉ cần một tích tắc lơi lỏng của cơn đói, là nó vội tìm đến ngay được!
Tôi nhớ trước hết, khi một gã nọ ngồi vào bàn phím và, chẳng thương xót gì cái dạ dầy phi thẩm âm của đám thực khách, bắt đầu dạo đi dạo lại những quãng ba chỉ thuần majeur hoặc chỉ thuần mineur, chồng chất mãi lên nhau, - những hợp âm chỉ thuần augmenté hoặc chỉ thuần diminué, nghe nhộn nhạo khiếp kinh, thì lập tức, như nhận được tín hiệu, có ngay một đám đồng thanh đồng khí cùng đổ xô đi, nào đàn địch, nào vẽ vời, nào viết lách... bất chấp thái độ lạnh lùng cảnh cáo của không ít những X28, X29, X30, nghĩa là những ca mà, sau đỉnh cao của cơn đói, đã Mất Hẳn Khả Năng Xúc Ðộng Trước Cái Ðẹp, hay Có Khả Năng Không Xúc Ðộng Trước Cái Ðẹp, hay Chỉ Có Khả Năng Xúc Ðộng Trước Cái Không Ðẹp, - những kẻ mà hôm nay con số thừa sức đe dọa biến bầu khí của các phòng tranh, phòng hòa nhạc, ra tẻ nhạt hơn cả cháo thiu, hay tống tiễn các tuyệt phẩm của thi văn xuống lề đường và vỉa hè, ở đấy vốn cũng đã đủ mặt mũi cùng là tên tuổi bao văn hào, bao thi bá thế giới, đang chịu số phận nạn nhân của những nạn nhân của cơn đói, khiêm tốn nằm ườn dưới nắng và bụi nhiệt đới, tự liệt mình vào hàng những phạm trù đại hạ giá đầy khinh miệt...
Nói của đáng tội, không phải chỉ có những X28, X29, X30, là bất công với nhóm thứ năm này, mà ngay cả những kẻ nhạy cảm nhiều với cái Ðẹp cũng không gia nhập họ. X38 nói thẳng (không ai hỏi đến, thì gã có thể không câm!): Phần lớn bọn này chẳng có bản lãnh gì hết, ngoài việc tự chứng minh là những X33 - Vĩ Cuồng, - những con công không lông, nhưng lúc nào cũng ồn ào và vênh váo kinh khủng. (Có lẽ gã cũng sẽ không đủ can đảm để ngồi lại giữa từng ấy thiên tài đột ngột đội mồ, chẳng may đã kịp giải thể mọi vết tích của tiền kiếp, ngoại trừ cái trí nhớ ngoan cường về chuyện mình là những thiên tài?)
Gã quá lời á? Quí Ngài biết đấy, đối với những chuẩn mực Trí Tuệ và Thẩm Mỹ, gã này vốn khó tính chẳng kém X13 - Cơ Vòng Hậu Môn (mà lúc này đã nhập viện từ khuya rồi). Gã cũng không quan tâm đến một tác phẩm nào tự nó, chỉ tò mò muốn xem diện mạo, bản lãnh, cũng như thái độ văn hóa của tác giả, ấy nhưng hầu hết tuyệt phẩm nào hôm nay cầm đến, gã cũng sượng cả người: Quí vị này ăn cái gì mà ngôn ngữ với lại tư duy rỗng tuếch, nhẹ tênh thế nhỉ? Cấu trúc thì rặt tuyến tính, giống hệt nhau như mặc đồng phục, mà đem so với thế kỷ mười bẩy, mười tám, e vẫn còn kém hiện đại.
Thôi mặc gã. Mặc cả bọn kia nữa. Phần tôi, xin làm đứa ngoại đạo. Ðối với tôi, những từ ngữ như là Thẩm Mỹ, Mỹ Cảm, Mỹ Học, vân vân, tuy chưa đến nỗi hóa ra vô nghĩa hẳn như đối với những X28, X29, X30 nọ, nhưng tôi cũng chả còn lý gì để phải bận bịu về cái Ðẹp, xem nó như một tiêu chuẩn hàng đầu biện minh cho tồn tại nữa hết. Có lẽ, cái thời kỳ tôi có thể bị thôi miên vì nó đã qua hẳn rồi, cùng với các chuẩn mực đo lường Chân / Ngụy, Chính / Tà, Thiện  / Ác, Mỹ / Xú, này nọ, gắn liền với cái Khu Eden thể nghiệm bằng giấy ngày xưa...
Ðám thực khách, thì không kể. Nhìn chung, họ chưa thể định hướng được. Có chăng, họ đang còn bị làm cho sửng sốt bởi một nhóm khác, nhóm những kẻ lập kỉ lục về độ dời tọa độ, kinh hay vĩ.
Nãy giờ đã được điểm qua bao cách thức tự khẳng định (thì đấy: ăn uống, săn tiền, truyền giống, học, đọc ngốn, đàn địch, vẽ vời, viết lách,...) song đến lượt nhóm thứ sáu này, quả là kì dị và khiêu khích.
Phần lớn thiên hạ vẫn đồng hóa chuyện dời tọa độ (kinh hay vĩ) ở mức độ nào đấy với việc cố ý lánh mặt cơn đói, cũng như đòi hỏi những điều kiện dinh dưỡng tốt hơn. Tuy vậy không phải ai cũng thế. Một gã nọ, trước khi buông đũa, đã phân trần: Với gã, đơn giản chỉ vì không thể nào nhẫn nại hơn nữa với những nghiệp quả, tích lũy từ bao thế hệ các chủ thể lèo lái cộng đồng xấu thói, kiêu căng, và chỉ có mỗi một tài năng duy nhất là lập đi lập lại không mỏi mệt những sai lầm. (Cố nhiên, nói như vậy, gã không có nhã ý loại trừ Ông Cứu Thế cùng hai môn đồ trung kiên.) Phen này, thế nào gã cũng phải tham gia lập kỷ lục mới kia thôi, cho dù cái tọa độ kinh vĩ nào đấy có hóa ra cũng lại chỉ là một địa chỉ thường trú khác nữa của trận đói chả có gì là sang trọng này.
Chỉ uổng công gã, cuối cùng, không đạt được kỷ lục nào hết. Ðúng lúc người ta đang chờ gã gửi về những tín hiệu chứng minh tọa độ kinh vĩ mới, thì gã lại lù lù xuất hiện, thiểu não ngồi vào cái Khu Nội Trú này, để điều trị, dưới danh số X40 . Hoang Tưởng!
Bây giờ, ngược hẳn với tất cả những nhóm vừa kể, là nhóm thứ bẩy. Tôi nói ngược hẳn là bởi lẽ nhóm này đã hoàn toàn thấm thía cái ý nghĩa sử học của thời kỳ vừa qua đến nỗi không còn cho bất cứ trào lưu tự khẳng định nào trong số nói trên là đáng giá nữa: Chỉ cần một sát-na rửng mỡ khác của cơn đói, hết thẩy tất yếu sẽ lại ngoan ngoãn tham gia kịch bản cũ ngay thôi. Theo họ, đằng nào cơn đói cũng còn đấy, cớ sao không thiết lập sẵn một régime kiêng khem nghiêm nhặt, tiếp tục hạn chế trọn bộ các nhu cầu hồn/xác, nhất là nhu cầu dinh dưỡng, gọi là để phòng xa? Ấy được mệnh danh con đường của chay tịnh và tiết dục, con đường Tự Phủ Ðịnh; chỉ có nó mới hòng dẫn đến an ổn thật sự và vĩnh hằng, bất chấp mọi hoàn cảnh. Ðúng không, chẳng ai, cũng chẳng cái gì, có thể bị phủ định đến hai lần?
Nhưng mà, dù thế, con đường thứ bẩy này cũng không hấp dẫn là mấy. Ai lại không muốn ổn định thật sự và vĩnh hằng, song, quí Ngài có đồng ý, cái môi trường sống của chúng ta bấy nay thực ra cũng có khác gì một trường khổ tu bao la, luôn bảo đảm thừa mứa những cơ hội để chay tịnh và tiết dục, hà cớ người ta lại còn phải nhọc công đi chuyên sâu thêm vào một chi phái nào nữa?
Ðến lúc này, những kẻ còn lại như bị đặt thình lình trước một ngã bẩy giao lộ, chẳng còn biết nên chọn lựa thế nào. Con số này lại đông (không gọi là một nhóm được), rốt cuộc, thôi thì lục tục trở về những nơi mà từ đó họ đã đến đây, tiếp tục cái phận sự vẫn được gọi là tồn tại, nghiêm túc như chưa bao giờ.
Tôi không trông thấy X38. Ban nãy gã có quay sang Nhà Hộ Giáo X61, lẩu bẩu lầu bầu cái gì đấy. Hóa ra gã bảo người anh em song sinh kia làm giúp cái đơn xin tự ý nhập viện.
Một trong những kẻ cuối cùng bỏ đứng lên khác: X43 - Nỗi Buồn Thế Kỷ. Tôi nhớ, sau khi quan sát với vẻ thần sầu tất cả mọi người, và sau khi buông thõng bẩy tiếng Chán! gọn lỏn vào bẩy nhóm nọ, gã cũng đã uể oải xô ghế, uể oải đi vào nhà cầu, cố nhiên là vẫn với vẻ thần sầu không bút nào tả xiết. (Tôi không còn gặp lại gã cho đến mãi về sau, khi bước vào phòng X này.)
Tôi chẳng xô ghế đứng lên, chẳng buồn đi đâu, Tôi vẫn ngồi lại, ngơ ngẩn. Vâng. Ngồi lại. Một mình. Ngơ ngẩn.
Tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng làm sao.
Sao tôi không theo một trong bẩy nhóm kia? Chao, sự thể đã không giản dị thế được, một phần cũng bởi trận đói ấy đấy, thưa quí Ngài. Phải rồi, một khi đã thừa khả năng vặt chết của tôi một lượt năm nhà: một nhà học giả, một nhà tuyên xưng đức tin, một nhà cách mệnh, một nhà tư tưởng, hay một nhà hoang tưởng, thì có lí gì nó lại phải nhân nhượng để cho sống sót một nhà khác, cho dù ấy có là một nhà ăn uống, một nhà săn tiền, một nhà truyền giống, một nhà sáng tạo cái Ðẹp, một nhà lập kỷ lục về độ dời kinh vĩ, hay một nhà tiết dục (nhà nào cũng vĩ đại)?
Phần khác, cũng đáng buồn lắm thay: Các chuẩn mực đo lường của tôi, lúc này, xin thú thật, cũng còn sử dụng được nữa đâu; tôi hầu như lẫn lộn hết: nào đâu Chân / Ngụy, nào đâu Chính / Tà, nào đâu Thiện / Ác, nào đâu Mỹ / Xú, nào đâu … , lắm khi chỉ còn được tìm thấy cách nhau không đầy một phần nghìn sợi tóc, lắm khi đồng dạng đến kinh hồn, chẳng khác gì những cặp song sinh... Thế, thôi đừng đua đòi khẳng định / phủ định.
Còn cái đám đông kia, bảo tôi đi theo họ? Không bao giờ. Tôi không thể nào chọn lựa tồn tại nghiêm túc như họ, hay tìm thấy một chốn nào để lui về trú ẩn như họ. Sao vậy? Thứ nhất, sau ba chu kỳ lột xác, ba phen phá sản tinh thần, ba lần choàng tỉnh từ những giấc mơ đại đồng (hai thật, một bằng vật thay thế) bây giờ tôi không còn giả định có một điều gì đó ở trên đời có thể gọi được là tồn tại nghiêm túc. Thứ hai, tôi chưa bao giờ loại bỏ được cái ấn tượng tiêu cực, gợi nên từ cái tên gọi Ðám Ðông. Vâng, hoàn toàn khác xa với khái niệm Nhân Loại (mà thế này thế khác còn mang hơi hướng kịch tính sâu sắc và tích cực hơn nhiều), Ðám Ðông đối với tôi, bất kể lúc nào và ở đâu, cũng rất đáng ngờ; họ vô ý thức, vô trách nhiệm, đồng thời lại tạp ngã, tạp phạm trù, tạp cả chiều kích, ai dám trông cậy vào để giải quyết định hướng cho tồn tại?
Cuối cùng, đi lui, tôi lại càng không: Ngay từ buổi đầu, tôi đã quen nết tự buông theo hướng đằng trước mặt. 
Vậy đó. Lúc này tôi mới cảm thấy trống trải đến làm sao. Không còn giấc mơ đại đồng. Không điều Thiện Thập Toàn, cũng không Trí Tuệ, không Thẩm Mỹ, không cả một mối thù chung.
Tôi cứ ngồi vậy, và chợt hiểu. Một cơn đói ở cái climax gay gắt nhất cũng còn dễ chịu hơn thế, miễn người ta còn cảm thấy thuộc về đâu, phải làm gì, ở đâu, với ai... Lúc này đây, tôi chỉ còn một con số không. Cực lớn. Và vô nghĩa. Có thể nào ấy lại là lời giải đáp cuối cùng của một Chiều Kích Luận? Và của tồn tại tôi?
. . . . . . . . .
. . . . . . . . .
Ðến lượt rồi ư? Tôi thừ người. Lần này, thì đừng! Và tôi bắt đầu chờ. Chờ X61.
Không, tôi không giống X38. Gã kia đã tự đề xuất giải pháp nhập viện, trong khi tôi thấy rõ ràng gã không có vẻ gì là phá sản, hay bị tát cạn cả. (Nhờ một phép mầu âm hiểm nào của Phương Mặt Trời Mọc, như gã từng gọi thế, mệnh danh Nhất Nguyên? Ấy là gì ? Hẳn nó phải ở những tầng bên trên nữa của thư viện, mà ngày ấy tôi chưa kịp chạm tay đến? Chớ gì tôi có thể, lúc này, liếc vào đấy một giây? Song, muộn rồi. Câu hỏi của tôi đành bỏ ngỏ.)
Không, tôi không như X38. Tôi chờ cây gậy của X61 chỉ vì một lẽ: Tôi không thể làm gì khác. Ừ, thôi thì X61!
Song, gã chưa đến. Nhà Hộ Giáo Ðộc Ðạo Nghiêm Túc đang còn rất bận.
Vừa rồi, sốt sắng dắt người anh em song sinh vào Khu Nội Trú này, chu đáo gửi gắm xong xuôi đâu đấy, gã trở ra, vẻ hân hoan sáng rỡ như mới hoàn tất được một việc thiện nhất đời. Xong, gã lại quay về tất bật với công tác lùng sục, trỏ phắt gậy vào mặt người, rồi sốt sắng lôi đi...
Nhưng mà, gã chưa để mắt đến tôi.
Có lúc, gã đứng cạnh X60 - Nhà Hùng Biện, tay gậy tay nạnh, nghiêm túc như chưa bao giờ, trong khi đồng đạo của gã đang thừa mệnh sư phụ, đăng đàn thuyết pháp. (Hôm nay Nhà Hùng Biện đang xoen xoét rất hay về những hạn chế tư tưởng của các ông Thích-Ca và Giê-Xu trong sự nghiệp xóa-a bỏ-a người-a bóc-a lột-a người, cũng như vai trò tòng phạm của các ông này trong các vụ việc nghiêm trọng, gây cản trở không cho tiến tới làm-a theo-a năng-a lực-a hưởng-a theo-a nhu-a cầu, và gã phân trần, ấy chính là lý do tại sao cái Hình Thái Kinh Tế Xã Hội Thứ Năm kia, một Eden ra Eden, với hai vế, một bên là búa-a kìm-a đinh-a ốc, còn bên kia : mai-a thuổng-a hái-a liềm này nọ, xem ra đã quá sức đề huề, môn đăng hộ đối chan chát đến như thế, lại cộng thêm cái tiêu chuẩn kép lý tưởng Ðói  / Căm Thù từ bấy, mà cứ phải trì hoãn mãi đến giờ vẫn chưa thể đem ra trình làng cho đúng hẹn được.)
Còn gã, thì chưa thèm để mắt đến tôi.
Sư phụ gã đâu? Ờ, đâu rồi? Ðang chủ tọa một khóa hội thảo chuyên đề nào? Hay đang lặn sâu, vận dụng một phép biện chứng li kỳ nào? Nhất định, Con Mắt Bão phải đang làm gì đó, ở đâu đó. Tồn tại cũng như lịch sử nhân loại đâu đã được định hướng và phê phán xong? Mô hình tổng hợp mới của Eden đâu đã nên hình nên thù? Kẻ thù đủ loại (loại nào cũng thâm độc) đâu đã được dẹp tan? Thế, sứ mệnh lớn, sự nghiệp không đùa của Ông Cứu Thế đâu đã thể nào hoàn tất? (Mãi về sau, người ta mới vỡ lẽ, nhân vật chính diện này, vào thời điểm ấy, đang bận bịu cái gì.)
Cơ mà, X61 của tôi vẫn chưa... À, mà không, xin lỗi, gã kia rồi.
Sao thế kia? Nhác trông thần sắc tôi, gã không dấu được phấn khích. Tôi không buồn quay lại, tuy vẫn lễ độ:
Thưa, tôi buồn ói. (Tôi còn nhớ rõ, thật sự tôi chẳng buồn gì hết, nhưng sau đó có cảm thấy buồn ói bởi chính câu trả lời của mình, song cũng không nhiều.)
Gã kia bật lui ba bước, trợn mắt nhìn, xong, tất tả chạy đi...
Chờ gã quay lại, lạ thay, tôi không nghe bồn chồn, hay lo lắng, cũng không cả sợ hãi. Tôi chỉ thấy một cái gì chói chang quá đỗi, đến nỗi phải tháo kiếng, khép mắt lại, mệt mỏi...
Tồn tại có những lúc như thế này ư? Có những lúc bị đặt trước một song luận nghiệt ngã: Hoặc tìm thấy một giải pháp, hoặc suy sụp, tiêu vong? Giải pháp gì? Những câu hỏi, trong một khoảnh khắc, bỗng tái hiện hỗn độn trong tôi, mặc dù vẫn biết chẳng còn để làm gì nữa hết. Cùng lúc, cũng tái hiện cả câu trả lời của X38. Ờ, giải pháp cũng cộc lốc và tê buốt, câu trả lời cũng bất ngờ và bi tráng đến làm sao! Ờ, thì thôi? Ðể cho thảnh thơi, hãy đặt hẳn một dấu đẳng thức vào giữa hai vế của các cặp phân cực mà vốn gần đây tôi đã bắt gặp lắm khi chỉ cách nhau không đầy một phần nghìn sợi tóc, lắm khi đồng dạng đến kinh hồn? Và cái thế giới này, tự nảo nào vẫn thế, và sẽ còn mãi thế, chẳng có gì là thuận lý, cũng chẳng có gì là nghịch lý, hãy thôi quan tâm? Và tồn tại, cứ việc là một, là n, hay là phi chiều kích, hãy thôi luận bàn? Và một mai, cho dù có tìm thấy.....
Mà thôi, chẳng để làm gì. Gã kia đã trở lại. Ði cùng với gã là một toán áo trắng, vẻ lạnh lùng. Họ đứng choán hết các lối ra. Gã, trỏ thẳng cái gậy về tôi, nhanh nhẩu:
Ðấy!
Và thế, tôi được đem đi, chưa kịp đặt xong câu hỏi, và cũng không cần nữa.



MƯỜI MỘT                  

Mày bảo sao? Chính thằng anh quí hóa của mày? Mày đùa? 
Tôi đâu đùa?! 
Ha! X61 - Ðộc Ðạo Một Chiều Nghiêm Túc! Kẻ an toàn nhất! Tao không tin. 
Thế anh có biết, suốt đời, y chưa thể hình dung được một không gian nào nhiều hơn một chiều kích không? 
Cái gì? Một chiều kích á? 
Vâng. Thế giới của y chỉ là một đường thẳng nghiêm nhặt, không cần hoa văn, tô điểm gì hết, đến nỗi ngay cả cái Khu Nội Trú này vẫn còn bị y phàn nàn là quá xa xỉ, thừa thãi. Dù sao, y đã đâm ra tự chủ hẳn lên, so với lúc chưa vào đây. Anh có thể tưởng tượng, điều đó đã khiến toàn thể Bác Sĩ lẫn nhân viên ở đây phải một phen sửng sốt, thán phục đến thế nào? Nay y được xem gần như bình đẳng với họ, nếu không muốn nói là trội hơn. Anh bảo, không tin y là kẻ an toàn nhất ở đây, phải không? Tôi thì trái lại. Thậm chí, ngày mai, nếu y được mời khỏi phòng X, không phải để đi về, mà để ở lại, phục vụ như một nhân viên mẫn cán nhất trong Khu Nội Trú này, tôi cũng sẽ không ngạc nhiên. Không. Không một chút nào!



 MƯỜI HAI

Vâng, thế, tôi được đem đi, chưa kịp đặt xong câu hỏi, mà cũng không cần nữa.
Thời kỳ cuối cùng đã khép lại sau lưng, khi tôi bước qua cánh cổng lớn nặng nề có vòm cuốn bên trên với hàng chữ đúc nổi sơn son thếp vàng chói lọi:
                                  NHÂN DANH TÌNH YÊU NHÂN LOẠI
Người ta đưa tôi vào ở hẳn Phòng này, danh số X49. Ngày ấy tôi vừa ba mươi. (Chỗ người ta, thì Tam Thập Nhi Lập, có phải thế không?!)
Kể từ đây, xin thôi không nhắc đến những giai đoạn đã qua. Xem như chưa từng tồn tại bao niềm tin nhân loại, bao giấc mơ đại đồng, với bao lần phá sản. Xem như chưa từng bước ra khỏi cái độc đạo nghiêm túc ban đầu, hay tham dự một trò chơi hai chiều, bẹt, dẹp, phẳng lì, và nhẵn thín, chưa từng vùi đầu vào một tháp ngà ba chiều lý tưởng không cong, với những trận đồ chân dung ngẫu tượng, chưa từng bị cuốn phăng bởi một cơn đói bốn chiều cong oằn âm hiểm, và cũng chưa từng bị nuốt chửng bởi những con số không, cực lớn, và vô nghĩa (bao nhiêu chiều? cong? không cong?) Phải, và xem như đã được khai sinh trở lại trong một thế giới khác, không liên quan gì đến thế giới bên ngoài kia. (Ai đó cứ việc bảo ấy là đáp số cho một Chiều Kích Luận, hay cho cả tồn tại tôi, cũng được.) Hôm nay, tôi chỉ còn thấy, biết có mỗi nó, thế giới mới ấy của tôi, với cái tên gọi ba âm tiết cụt ngủn: Khu Nội Trú.
Nhưng mà, biết nói thế nào nhỉ, chứ đây mới qủa thật là một phen phá sản trọn vẹn, không hy vọng gì nữa. Và, không riêng gì cho tôi, mà là tất thẩy. Vâng, nào có ai ngờ.
Có thể nói gì về nó?
Nếu trước kia chưa bao giờ tôi hòng hình dung nó là thế nào, thì giờ đã rõ rồi, vâng, ấy đơn giản chỉ là một mô hình Eden thể nghiệm, thô thiển đến mức táo bạo, một không gian chủ yếu một chiều kích (cũng có khi là hai, không độ cong, cố nhiên, còn ba thì họa hiếm) toàn bộ được xây bằng bê tông cốt thép, cửa chấn song cũng bằng thép, một công trình mà X59 - Ông Cứu Thế là một trong những kẻ đã dầy công sáng lập, với nhã ý thúc đẩy nhanh quá trình tiến hóa của nhân loại tiến tới đích điểm là cái Hình Thái Thứ Năm (, chứ đợi cho thiên hạ tự giác thì biết đến bao giờ!).
Bước vào đây, tôi (hay bất cứ ai) cũng chỉ còn mỗi một nhiệm vụ: Ngoan ngoãn đặt mình dưới một régime được gia giảm khi thế này khi thế khác. Ban đầu, cố nhiên rồi, luôn luôn là Valium 10 (hay Librium 10), Insidon, Binoctal, Halopéridole, Lucidril, Actane, vân vân. Rồi sau đó: Ðọc. Ðọc. Và Ðọc! (Thật không thể tưởng tượng điều này, làm sao tôi đọc nổi nữa?!) Mà đọc gì? Ðây: Tất cả những gì nghiêm túc nhất trong cái thư viện ở chỗ này: Từ Mối Quan Hệ Biện Chứng Giữa Vật Chất Và Ý Thức, hay Tính Ưu Việt Của Hình Thái Thứ Năm, cho đến toàn bộ Tuyển Tập (cả thẩy đâu những băm bốn băm nhăm tome gì đó) của Ông Cứu Thế, trong đó có những tome dầy cộm, chứng minh một cách hết sức thuyết phục rằng: Một tác phẩm văn học chân chính phải có khả năng nhân đạo hóa con người, hoặc Tẩu pháp của Bach rất giầu tính chiến đấu và tính yêu nước, hoặc Khoai lang bổ hơn thịt bò, vân vân. Xin không hỏi tại sao lãnh vực nào Ông Cứu Thế cũng uyên bác và lắm uy tín đến vậy, chỉ cần nhớ vai trò của Ông đối với Khu Nội Trú này (và cả Thư Viện của nó nữa, dĩ nhiên!). Tuy vậy, vẫn lạ ở chỗ những vấn đề tôi được chỉ định đọc hôm nay đâu có liên quan gì đến tình trạng tôi? (Có chăng nó chỉ có thể khiến cho căn bệnh buồn ói kia, nếu có, càng hóa ra tồi tệ hơn thôi, đúng không?)
Chưa hết: Bên cạnh việc Ðọc, Ðọc, Và Ðọc, còn là những giờ xếp hàng, những giờ điểm danh, những giờ trả bài, thảo luận, tự kiểm, hay kể chuyện gương tốt, thi uống thuốc chăm, đua đọc sách ngoan, vân vân. (Có khác gì giai đoạn đồng ấu thuở nào? Giờ ai nấy mới hiểu, giá được như một Ông Thiện lúc thiếu thời: một điểm, một đoạn thẳng hình gậy, hình que, bảo đọc, đọc, bảo kể, kể, bảo câm, câm, bảo quì, quì,... Thật quí hóa xiết bao!)
Tương tự régime của tôi, ở phòng X này, còn nhiều đứa nữa, chẳng hạn X10 - Cõi Thối Tha, lúc nào cũng một tay bịt mũi, mặt lộ vẻ khinh bỉ vô bờ bến, hay X15 - Nhà Tham Thiền, ngày ba buổi ngồi kiết già kiên cố ở một góc phòng, mỗi lúc xả thiền đều gào lên: Tao đã đến Phi Tưởng Xứ, hoặc X25 - Nhà Thơ Nhớn, cứ mỗi bách bộ lại có thể cho ra đời một câu rất trữ tình, thí dụ: Bựa ni em buồng, lộ đỉt âm u..., hoặc X30 - Nhà Thủ Dâm, hễ đọc đến những trang kinh điển nhất trong Thư Viện, toàn thân lại rung lên vì cùng lúc, tay trái đang thủ dâm đến hồi rất quyết liệt,...
Còn những nhân vật tôi đã từng quen biết thì, tất nhiên, chạy đâu cho khỏi. Cả lũ, rốt cuộc, hóa ra lại hội ngộ ở đây. Lần lượt. Gần đủ mặt.
X43, ai cũng biết rồi, rõ tội nghiệp: Hôm đầu nhập viện, phải nuốt trọn một chương trong cái Tuyển Tập đồ sộ của Ông Cứu Thế, gã đã không kịp thốt nên một tiếng Chán! nào, trái lại, mất ngủ hẳn ba đêm liền và, cuối cùng, xổ ra một bầy sán kinh thiên (cố nhiên là ở trong nhà cầu, điểm lánh nạn muôn đời của Nỗi Buồn Thế Kỷ).
Còn X13, dễ thường không có gì tiến bộ cả, nghĩa là Cơ Vòng Hậu Môn của gã vẫn sẵn sàng nã đạn vào bất cứ những gì gã dị ứng, bất kể ấy là giờ xếp hàng, giờ điểm danh, giờ đọc sách, giờ trả bài, giờ thảo luận, tự kiểm, hay kể chuyện gương tốt; chỉ có điều, bây giờ, sau mỗi phen như vậy, gã đều bị lập biên bản, đều phải làm bản tự kiểm, đồng thời cam kết không tái phạm.
X38 cũng là một ca làm thất vọng khác. Người ta đã tiến hành ba đợt đại phẫu, nhằm vô hiệu hóa Niềm Tin Nhất Nguyên của Phương Mặt Trời Mọc ở gã; nhưng vẫn không hiểu liệu còn phải lập lại bao nhiêu lần như vậy nữa. Dù sao, gã lại câm khi người ta hỏi đến, lại vẽ bậy trong giờ đọc, ngủ trong giờ kể chuyện, vân vân, như bao giờ.
Thế, còn nhiều nữa: X03, X05, X08, X19, X20, X28, X29, X30, X33, ... và cuối cùng, như để điền nốt vào cái danh sách vốn đã rất lê thê ở phòng X này, một hôm đẹp trời kia, bỗng nhiên đùng đùng nhập viện một lượt cả ba thầy trò X59, X60 và X61. Thật kinh khủng.
Lần xuất hiện này của Ông Cứu Thế cùng hai môn đồ yêu dấu (Tướng Sĩ Tượng toàn tập!) chẳng có gì là uy nghi hết. Chả là về sau này Ông bỗng phất lên một cách lộ liễu, và người ta kịp thời phát hiện: Ông đã thôi đoái hoài đến sứ mệnh lớn, sự nghiệp lớn tự bao giờ, bù lại, Ông bí mật lặn sâu, vận dụng những phép biện chứng li kỳ nhất, hóa giải tất cả các Thuận / Nghịch Lý, để chiếm lạm, cả công lẫn tư, lên đến hàng trăm tỉ tiền, đồng thời còn dính líu vào một đường dây xuyên hành tinh buôn bán cửa mình cùng là các chất gây nghiện. Khi Ðội Áo Trắng ập đến, Ông còn đang bận sinh hoạt chuyên đề (cũng lại không đùa!) với hai chủ nhân của hai bộ ngực long trọng, hai cặp đùi thịnh soạn, cùng hai cửa mình thật hiếu khách; những thứ này chẳng liên quan gì đến hướng đi của lịch sử cũng như vận mệnh của nhân loại hết (hoặc giả có liên quan, nhưng trên một bình diện khác, không phải bình diện mà Vị Tiên Sư khổng lồ thế kỷ XIX nào đó của Ông quan tâm). Thế thì cũng lại rất phô, đúng không?
Kẻ ngã ngửa: Ông Cứu Thế mà cũng biết kinh doanh bodydoor á? Kẻ nhảy nhổm: Phải gọi là Ông Một Trăm Cơn Lũ hay Ông Một Trăm Năm Mươi Cơn Lũ, vì một cơn lũ bình thường chỉ ngốn vài tỉ tiền, còn Ông thì đến hàng trăm tỉ, còn Nhà Thơ Nhớn X25 đã có sẵn một câu rất trữ tình khác: Thử nhấc buông bảng chủa bà, thử nhì ma tủy, thử ba cựa mình. Không buồn trả lời, Ông chỉ buông mình xuống một góc, hai tay thõng, hai mắt lừ lừ (lại càng không đùa!).
Dù sao thì dù, Con Mắt Bão Của Một Thời đã khép lại.
Mà thôi, hãy khoan khen chê gì Ông. Tôi vẫn nhất định không làm điều đó ở đây đâu. Bẩy mươi chưa khoe..., đúng không? Chỉ thương cho lịch sử, không ai lèo lái, chăm sóc, sẽ ra lêu lổng, còn tồn tại nhân loại, không người nhắc nhở, sẽ chệch hướng, sa bẫy kẻ thù thâm độc đủ loại mất thôi.
Nói đùa thế, chứ vẫn khối kẻ tiếp tục sứ mệnh cao cả của Ông. Chí ít thì trên đời cũng còn tồn tại một nơi gọi là Khu Nội Trú, như nơi này,…
. . . . . . . . .
Tôi tưởng có thể dừng ở đây. Song, đêm vẫn còn kia (dù không là bao, nó vẫn còn), qúy Ngài sẽ phật lòng mất, nếu tôi không tận dụng cho đến phút cuối cơn cám dỗ hiếm hoi hôm nay (Và biết đâu, sẽ chẳng bao giờ nữa?)
Sự thật, tôi cũng không biết phải nói gì. Bấy nhiêu cũng chưa đủ, mà bao nhiêu laị chẳng thừa? Chỉ vô duyên cho giấy mực. Cho cả cái chặn giấy này (nó mới đẹp làm sao chứ, có phải được làm bằng vàng ròng không?) cùng với dòng chữ đúc nổi trên đó, mê hồn: Nhân Danh ...
À, mà đây, tại sao ban nãy tôi lại quên cái tuyên ngôn Nhân Danh... này trong phần giới thiệu Khu Nội Trú của chúng ta nhỉ? (Qúi Ngài thông cảm, tôi vẫn chưa hết ấn tượng, kể từ phút đầu ngồi vào cái bàn này, cũng như ngày đầu, khi bước qua cánh cổng lớn nặng nề, có sơn son thếp vàng chói lọi.) Phải. Thật lạ lùng. Chẳng phải tình cờ mà sự phá sản (xin nhắc lại, không chỉ riêng gì tôi, mà cho tất thẩy!) lại được tìm thấy khởi đầu và hoàn tất trọn vẹn trong cùng một ý tưởng đẹp này?

Nhân Danh Tình Yêu Nhân Loại!
A, nghe mới ngầu thật chứ! Mà sao lại không ? Chỉ riêng tôi, với những năm còn hôi sữa, cũng đã thừa bận rộn với những mục tiêu nghiêm túc chẳng vừa là thế, thì ở đây, ở cái Mô Hình Eden Thể Nghiệm mini lý tưởng này, nó hẳn phải còn đến đâu? Thì đấy, ở chỗ này, giai đoạn xây dựng cơ bản theo lý tưởng Cứu Thế của X59 xem như đã hoàn tất, và bây giờ là lúc cần phải nhấn mạnh cái điều quan trọng nhất: Cứu Cánh của nó, mô hình, một cứu cánh ra cứu cánh, nghĩa là hoàn toàn tương xứng với một Eden ra Eden, vâng: Tình Yêu Nhân Loại! Ðúng không? Và, hiển nhiên, báu vật này phải được bảo vệ bằng bốn phương tám hướng bê tông cốt thép, cửa chấn song cũng bằng thép, không thể nào khác được, đúng không? Ai lại không biết, Nhân Loại của chúng ta thật mong manh; nó vẫn bị đe dọa bằng mọi nhẽ: Từ con vi khuẩn mắt thường không thấy cho đến cái đuôi sao chổi khổng lồ, từ hạt sạn trong ruột thừa cho đến lỗ thủng ngoài tầng ozone khí quyển, từ sự mất tích của cơn ngon miệng hàng ngày cho đến sự xuất hiện những vật thể bay không xác định? Ðã vậy, Tình Yêu của cái Nhân Loại ấy thì lại còn mong manh bội phần hơn thế nữa, nay quyết bảo trọng nó kiên cố như cách quí Ngài đang làm đây, là phải rồi?! (Chứ đến như Eden thật mà cũng còn phải những hai seraphim dũng mãnh, gươm giáo chói lòa, canh gác cẩn mật nữa là?)
Song, hỡi ơi, có những nghịch lý lúc nào cũng đúng một cách đáng buồn: Hễ thiên hạ đem cái gì ra để nhân danh một cách hùng hồn nhất, hùng hồn đến chóng mặt, thì chính cái ấy, thực chất, chả còn lại được là bao. Và nữa: Nhân loại hầu như chưa từng gặp một tai nạn nào đáng kể từ một kẻ công khai tuyên bố thù ghét họ, trái lại, hầu hết các thảm kịch hoành tráng nhất đời lại thường chỉ đến từ những vị lúc nào cũng khăng khăng đòi tỏ tình yêu đương thắm thiết con người. (Thế Giới Sử, những chương ấy, hồi ấy, người ấy, việc ấy, chỗ ấy, ngày, tháng, năm ấy!)
Tôi có thể nghe trước quí Ngài chất vấn: Ðâu? Có gì là không ổn? là thảm kịch? Có thấy đứa nào ở đây nêu vấn đề gì, hay đặt câu hỏi nào đâu? Ðiều này thì hẳn rồi. Cái cơ cấu không độ cong ở đây đã chặt phăng, cán dẹp, ủi phẳng, chuốt bằng mọi dấu hỏi cả rồi, và khiến cho hết thẩy phải biến ra hàng loạt các dấu chấm than, các dấu chấm hết ngoạn mục đối với bất kỳ cơ may nào của nhận thức. (Chả thế mà vừa vào đến nơi, X61 - Nghiêm Túc Một Chiều Ðộc Ðạo đã không dấu được vẻ mừng!)
Ðây, nếu quí Ngài có được một hôm nào rảnh rỗi, xin mời ghé phòng X của tôi, lắng nghe, vào khoảng giữa khuya, một bản thông điệp được gửi đến bằng tín hiệu morse, gõ lên vách tường từ phòng bên cạnh, phòng Y, một bản thông điệp mà thực chất, theo tôi, chẳng là gì khác hơn những dấu chấm than, những dấu chấm hết. Vô vọng như le Zéro. Lê thê như l'Infini. Vâng.
..... DDEOS MEJ TIEEN SW NHAF CHUNGS MAYF CHWS ..... NHAAN DANH TINHF YEEU NHAAN LOAIJ ..... CAIS LOONF ....
Phần tôi, vẫn không khỏi tự bằng lòng đã không mang theo vào đây câu hỏi ngày xưa còn bỏ dở. Khoan nói đến việc nó có đáng được kể như còn hay không còn cần thiết nữa, chỉ chắc một điều: Nếu có mặt đây, nó cũng đã tất nhiên được thăng hoa thành một dấu chấm than hoặc một dấu chấm hết như vậy, không hơn.
Có ai bảo tôi đã không học được gì? Sự thực, tôi đã đi xa hơn thế rất nhiều. Tôi muốn nói hầu như tất cả các thói quen, các sinh hoạt của tôi trước kia cũng đã được rũ bỏ. Bây giờ, điều duy nhất tôi làm, trong phần lớn thời gian của ngày, là gì, hẳn quí Ngài cũng đã rõ: Ngồi, hoặc nằm, nhìn ra cửa, đúng không? Ðể làm gì? Xin thú thực: Chẳng để làm gì hết! Thật đấy.
Song, hôm nay rõ ràng tôi vẫn hân hạnh được chiếu cố? Bởi đâu? Ngồi như tôi, nom từ cửa vào, có khác gì một cái chấm than? Còn nằm xuống - một cái chấm hết? Thế thì hẳn từ một toạ độ hiểm nào (chẳng hạn từ hai vách bên chiếu ngang, đối với một đứa ngồi bó gối? hoặc từ trần nhà chiếu xuống, đối với một đứa nằm co?) người ta đã cố ý nhìn cho ra được nguyên hình một dấu hỏi lớn và xương xẩu?
Dù sao, tôi chỉ bắt đầu ngờ ngợ thế, khi được dẫn đi giữa hai vị áo trắng, xuyên qua những hành lang sâu hút, đến trước cánh cửa đen nom nghiêm trọng, mở vào căn phòng thênh thang, vắng lặng này. Một lần nữa, tôi buộc phải nhìn lại mình đang ở đâu. Và, cùng lúc, cũng là nhìn lại tất cả.
Ồ không. Một dấu hỏi ư? Có ai đang lỡm đấy thôi, thưa quí Ngài.
Mới chiều nay, khách tham quan Khu Nội Trú này còn sửng sốt. Một trong số đã buột mồm gọi nó là Khu Tiềm Thức Của Một Thằng Ðiên. Thiết tưởng, quí Ngài chẳng hề hiểu họ muốn nói gì?
Thế, trong Cái Hộp Ðen Của Một Thằng Ðiên ấy, tin tôi đi, cũng chả còn lại gì nhiều hơn những không gian đơn, đôi (hay họa hoằn lắm mới đến con số ba) chiều kích, không độ cong. Ở đấy, mọi khái niệm phức tạp hơn thế đều vô nghĩa, thậm chí có thể đưa đến hiểm nghèo. Cũng ở đấy, nhân loại được mặc nhiên đồng hóa thô giản thành những bản danh số dằng dặc và không hề du dương, những đối tượng đặc tuyển cho một ơn cứu độ dị thường. Và cũng ở đấy, mới xuất hiện vô số Ðấng Cứu Thế, những Ông Thiện, lúc nào cũng khăng khăng đòi tỏ tình yêu đương thắm thiết con người, khăng khăng hy sinh tận tụy cho sứ mệnh khải thị về cận ảnh một Eden của thế kỷ XX, cố nhiên là phải kèm vô số tuyên ngôn, vô số mệnh đề, hùng hồn đến chóng mặt...
Hẳn người ta vẫn thừa khả năng tiếp tục tồn tại, cho đến tận thế, trong những điều kiện tương tự. Có chăng, chỉ phải chấp nhận một ngàn lẻ một điều vô nghĩa. Nhưng mà, có mấy ai đã từng chết vì vô nghĩa? Phần tôi , cũng thế thôi: Từ lâu rồi, vâng, tôi đã không biết đến một dấu hỏi, cũng không cả một dấu chấm than, không cả một dấu chấm hết; đơn giản, tôi chỉ còn lại là một con số, không hơn (thậm chí còn vô nghĩa hơn cả Con Số Không Cực Lớn thủa nào!), giữa những bản danh số, tất yếu sẽ bị lãng quên trong tiềm thức của một thằng điên.
Thưa quí Ngài,                  
Ðêm đã tàn (Sao nó ngắn ngủi vậy?) mà có vẻ tôi chưa nói được gì hầu có thể khiến quí Ngài hài lòng. Thôi đành gửi lại dưới đáy lọ mực kia. Còn những trang đầu Ngô mình Sở này, ở chỗ nào không còn câu, chữ nữa, có thể tạm cho là the end, cũng không thấy nước mắt hay xác chết đâu cả, thì thôi, cứ xem như happy

Saigon, Jun 11,90 - Sep 25,90 
Sửa : Dec 06,96 - Oct 22,97 
Sửa : May 30 -Jun 05 ,02 
Sửa : Dec 20 , 02
Sửa : Jun 24, 08

.



No comments: