.
TRUYỆN
.
CỔ TÍCH TỪ LUYỆN NGỤC BÀ
Nhời quê góp nhặt rông dài (ND)
Luyện Ngục là nơi mà thời gian rẻ mạt nhất, cháu ạ. Rồi cháu sẽ thấy, nếu cháu của bà đủ ngoan (nghĩa là không hư quá, đến nỗi phải sa vào cái nơi tồi tệ hơn cả, là Hoả Ngục). Phải, bà nghĩ, cháu cũng khắc thấy thôi, chính là ở cái Luyện Ngục này đây, chứ chẳng đâu khác, mà thời gian được tìm thấy rẻ mạt nhất (hay bảo, người ta được tìm thấy giàu có thời gian nhất, thì cũng thế).
Mà xin lỗi, bà quên, nào cháu đã biết Luyện Ngục là gì, nhỉ? Thế thì, để vắn tắt: Ấy là cái nơi ở tạm cho những ai chưa phải thánh, song cũng đã hết là người phàm, cháu hiểu chứ? Ở đấy, chẳng ai chết nữa, mà chỉ còn chờ lên Thiên Đàng. Đúng vậy, - Xám Hối, và Chờ. (Còn ở Trần Gian? Ai thì cũng nhất định phải chết, lại chưa biết sẽ về đâu. Sự khác biệt là thế. Tội nghiệp cho họ. Và cho cả chúng ta nữa!) Cố nhiên, Chúa chẳng cần chuyện ấy đâu, song sẽ có những con Quỷ tị nạnh, mà thế thì chả còn gì là công bằng. Bởi vậy, không thể làm gì khác hơn được. (Ngay cả Thérèse de L'Enfant Jésus, tinh khiết là thế, cũng phải bay qua đây một đỗi nữa là!)
. . . Ờ, thời gian của chúng ta thật rẻ mạt, chả đâu bằng. (Có chăng chỉ kém ở Thiên Đàng, có kẻ dám bảo.) Cháu hãy hình dung xem, nếu như ở Trần Gian ấy của cháu, người ta cứ vẫn hơi một tí lại phàn nàn, mỗi khi phải chờ đợi, chẳng hạn, một điều gì, thì ở đây, trong cái Purgatoire này của bà, hẳn họ sẽ phải mừng điên lên mất, khi thấy một bức điện khẩn đi chỉ hơn tuần, hoặc sẽ phải nhẩy cẫng đến thế nào, nếu có kẻ ngã gẫy cổ, gọi cấp cứu, mà chỉ chưa đầy một tháng xe đã đến. Nhưng thế đã hết đâu, cứ cho là cái kẻ khốn khổ ấy chỉ cần trượt chân từ mặt bàn, thì để rơi được xuống đất, hắn cũng đã phải chờ mất cả một buổi rồi. (Gia tốc trọng trường là gì, hở cháu?)
Nhưng mà thôi, bà chỉ tỉ dụ thế, chứ sự thật, đây hầu như chả có thư, điện nào để chờ, cũng chả có xe cộ hay cấp cứu gì hết. Phải, cháu hiểu không, chả có gì hết, ngoài một không gian vô bờ, với một giòng thời gian mênh mang trẩy qua. Trong suốt. Không mầu.
*
Thế cũng xong, bà hết phải lo, không khéo lại sa vào những âm mưu thâm độc của Quỷ nữa, kể từ bấy. (Nói của đáng tội, chứ bà có từng biết mặt ngang mũi dọc Quỷ nó làm sao! Ngay cả lúc trên đường vào đây, đi qua miệng một cái vực. Nghe bảo, ở dưới vực ấy có hẳn một đám Quỷ già hậm hực, vừa đánh đu vun vút, vừa ném pháo bông vào người ta; có con nhằn hạt dưa, có con hát cải lương sa sả suốt ngày, có con đánh chắn. Bà căng cả mắt nhìn, nhưng có thấy được gì?! Chỉ một bể mờ sương, lạnh ngắt. Thế rồi thoắt cái, bà đã đến chỗ này.) Song, cháu ạ, các Thiên Thần, thì lại có thật. Ở đây. Thế đấy!
Ô là là, các Thiên Thần! Cháu đừng có tưởng họ dịu dàng gì lắm đâu, đặc biệt là những Ngài... (Đã bảo, chỉ có Chúa là toàn vẹn thôi; nhưng Chúa không có ở đây, trong cái Luyện Ngục này.) Thấy bất kỳ ai mới đến, họ cũng đập cánh, xà cả xuống, y như những con đại bàng vậy, chỉ có điều không kêu lên ầm ĩ thôi; họ nghiêm túc hơn thế rất nhiều, mắt thì cứ sáng rực, đôi khi toé lửa, đôi khi rướm máu, chẳng hiểu tại sao. Thật đấy, bà cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Chỉ cảm thấy một điều gì đó, rất đau đớn. Vừa đặt chân đến, bà đã mong sao cho chóng ra khỏi nơi này.
Nhưng mà, ra được khỏi đây, cháu hiểu không, đòi hỏi cả một công phu: Xám hối. Vâng, nhớ lại, và xám hối, đã bao lần liều mình cho Quỷ cám dỗ, bao lần phản lại, khước từ tình yêu, cũng như ơn thánh Chúa. Mà quả, ai cũng phải công nhận: Nhớ lại, Xám hối, và Chờ - là cả một công phu ra công phu!
Cứ ngày lại ngày, bà ngồi trước tờ Interrogatoire, khắc khoải. Tên gì?Tuổi? Sinh đâu? Con ai? và ai? Đã làm những gì? Lúc nào? Ở đâu? Với ai? Bao nhiêu lần? Có biết thế là tội không? Sao còn làm? Tại sao?... Chao, những câu hỏi mới đơn giản chứ, song chẳng bao lâu đối với bà đã trở nên không thể nào kham nổi. Bà đã phát khóc, đã lên cơn sốt ngay cả trong giấc ngủ. Mà thật, cháu ơi, rồi cháu khắc hiểu, chả điều gì trên đời lại có thể được tìm thấy tàn phá và lăng nhục hơn thế nữa: Đã lần thứ ba rồi, Thiên Thần đưa trả, lừ mắt: Viết lại! Bà lả cả người. Còn viết làm sao nữa bây giờ. Không thì chưa thể lên Thiên Đàng được, thưa Bà. Cũng chỉ mới vừa nãy thôi, Thiên Thần Trực Nhật còn ghé xuống manh giấy trắng của bà, vẻ nhắc nhở.
Ô là la, các Thiên Thần! Cháu đừng có hỏi: Thế chẳng phải Chúa đã từng bảo, bà sẽ vào nước Thiên Đàng trước những phường đạo đức giả, trước cả những kẻ suốt đời ăn chay, hãm mình, và cầu nguyện....? Không, cố nhiên là thế rồi, cháu ạ, song có lúc bà cảm giác mơ hồ, Chúa có thể muốn, nhưng các Thiên Thần thì lại có thể không (và Người cũng còn phải nhịn nhục họ biết mấy! A, cháu không biết, họ quyền năng kinh khủng, lại biết dựa vào nhau...)
Giờ thì bà chả còn viết được một tờ Interrogatoire nào nên hồn. Cứ cầm lấy bút là y như thừ người ra; cuối cùng, lại ngồi nghĩ vơ vẩn thế này, bất chấp điều ấy có thể làm trì hoãn thêm (chẳng biết đến bao giờ?) cái ngày được ra khỏi đây và lên Thiên Đàng ...
*
Bà vẫn yêu nhất Trần Gian. Phải, mặc dù ở đấy đầy rẫy những lầm lỗi, bất toàn, và thống khổ thì nhiều hơn là hoan lạc. Ô, Trần Gian, cái nơi bà đã sống, đã đi qua, ngơ ngác, khóc hay cười. Thật chẳng đâu sánh nổi, chẳng đâu lắm khát khao hơn thế nữa. Thế là hết. Đã qua rồi một thời để sống, một thời để điên, một thời để khổ đau. Xác hồn bà trong suốt như một giọt nước..., không tan... Có điều, bà lại lẩm cẩm rồi, về vấn đề này bà không sao diễn tả cho hay được. Bà chẳng phải thi nhân, cháu thấy đấy. Không như Đạm Cô Nương, dạo ở đây đã viết nên không biết bao nhiêu là vần thơ diễm lệ. Giờ thì chị ấy đã lên Thiên Đàng (Ai có tên trong Sổ Đoạn Trường mà lại chả đáng được lên Thiên Đàng!), còn để trên vách những dòng rướm máu: Ôi không gian mầu tím thời gian mầu tím nhân gian càng tím tóm lại là cả một trần gian tím anh em nhớ anh não nùng quá anh mười hai bến nước đều long lanh tím tía buồn thương anh cũng yêu em mắt biếc lệ nhỏ xuống môi gầy tái hư hao đôi bờ vai bầm đối diện cho ngực hằn tím lịm nét suy tư... Phải, bà chưa bao giờ diễn tả được thần tình như chị ấy. Tâm hồn bà là một tâm hồn cằn khô, ai cũng bảo.
Bà nhớ, đã mồ côi ngay từ lúc sinh ra; đúng hơn, là bị bỏ rơi. Một kẻ phúc đức nào đấy đã nhặt được và gửi vào Viện Cô Nhi. Khỏi nói cháu cũng hiểu, ở cái Viện Cô Nhi ấy của bà nó vui đến thế nào, phải không? Bởi vậy, vừa lớn, bà đã phải trốn khỏi đấy, rồi vào đời, kiếm sống một mình, bằng cái nghề kia. Thoạt đầu, bà đi theo một gã buôn lậu. Gã có hàm răng giả, mỗi khi hôn lại lùa nó vào mồm bà, đẩy đi đẩy lại nghe lách cách, rợn cả mang tai. Thế nhưng, gã cũng sớm bỏ rơi bà, sau bẩy ngày vui chơi. Phải, cháu ạ, gã đã bán bà đi như bán một món hàng có lời... Bà lại rơi vào một ông goá vợ. Ông này hói đầu, gần như trọc, phải đội tóc giả. Tối tối, bà co rúm vào một góc giường, nhìn trân trối cái đầu không đội tóc của ông ấy; lúc này ông đã ngủ say, há hốc mồm mà ngáy. Bà cứ thức thế, đến sáng. Nghe người khác ngáy chả có gì vui hết, bà phải trốn ông ấy mà đi thôi... Chẳng bao lâu bà ở hẳn một ngôi làng nọ, thuê nhà một ông cụ bị bại liệt. Ông ấy sai chắn cho bà một tấm phên, ngăn nửa gian buồng. Có một cái lỗ, ông cụ thích nhòm qua đấy. Ban đầu, bà không quen thế, cứ sởn da gà vì những tiếng thở dài não cả lòng, nhưng sau thì bà mặc kệ; hãy để cho ông sống bằng mắt những điều ông không còn làm được nữa. (Với lại, cũng nên tội nghiệp cho ông ấy, cháu ạ, lúc nào cũng ưu uất, cứ ôm khư khư một tập bản thảo truyện ngắn, vẫn nghe bảo chả biết đến bao giờ mới hòng xin được giấy phép công bố!)... Trên vách, trước cửa, trong buồng bà, đâu đâu cũng treo la liệt những vớ bảo hộ lao động đủ cỡ, lớn/bé, ngắn/dài... (có cái chỉ bằng cây tăm, cái tầy ống vố). Ấy là những tháng ngày mệt lử và chán chường... Bọn họ, đến rồi đi, đủ loại, đủ hạng, song có một điểm chung: Ai cũng một tật nào đấy, chẳng hạn sứt môi, chẳng hạn lác mắt, chẳng hạn thừa răng... Chả ai toàn vẹn. Bà thì chẳng còn yêu được nữa. Đã nên chai sạn lâu rồi. Tiếng thở dài của ông cụ nghe càng ngày càng não lòng. Nhà thì càng ngày càng chi chít vớ bảo hộ...
Cháu sẽ bảo, sao lại không quẳng hết thảy chúng, những của quỷ ấy, vào sọt rác cả đi, có phải không? Ồ, không đâu, thủa ấy bà sẽ chẳng làm thế đâu. Nó là cả một "cõi người ta" thu nhỏ đấy, cháu hiểu không? Mỗi khi nhìn đến, bà lại thấm thía cái "tiếng kêu đứt ruột" của người xưa. Thật đấy, chỉ cần điểm qua những vai chính cũng đủ cho cháu có khái niệm: Trước hết, hãy nhìn mà xem, chẳng hạn, những cái nom nhẵn nhụi nhất ấy, khỏi phải nhắc, bà cũng bảo ngay được, là của những phường Mã, Bạc. Thứ đến, những món "hình dung chải chuốt" hơn cả, thì chỉ có thể là của họ Sở. (Nói cho thật, so với chúng, những của nả bặm trợn của bon Khuyển, Ưng, xem ra còn đáng tha thứ hơn rất nhiều.) Nhưng mà, càng trải đời thì lại càng thất vọng, cháu của bà ạ. Người ta có thể tưởng tượng, tỉ dụ như Kim Lang, là thế nào không? Nhất định chả ai lại đi bảo là những cái quăn queo và vặn vẹo như củ cải Tầu muối nén kia, đúng không? Song sự thật, dù có mất lòng, vẫn là sự thật: Kẻ sĩ phần lớn là thế, cháu ạ. Còn Thúc Sinh, thì sao? Thưa rằng, đây, những món quá khổ nhất này - những playboy chính hiệu! Thế còn Từ Công? Ồ, vâng, Từ Công! Nhưng mà, biết nói thế nào nhỉ, chứ quả thật, những kích thước khiêm nhường nhất trong toàn bộ mớ kỷ vật thuở ấy của bà lại chính là của cái đấng "vai năm tấc rộng, thân mười thước cao" nọ. (Người ta vẫn chẳng bảo: Anh hùng- khí đoản? Vâng, cực đoản!) Song le, ngán ngẩm nhất (mà cũng hãi hùng nhất nữa!) vẫn là của Hồ Công, cháu ạ. Chỉ cần nhớ, vừa anh hùng, lại vừa là kẻ sĩ, những di vật của người ấy sẽ phải nom dị dạng đến thế nào, cháu cũng thừa hiểu, bà hà tất phải nhiều lời, đúng không?
Dù sao, giờ bà đã thôi không còn giữ lấy cái pho "Nhân Học Minh Hoạ" ấy. Có nhớ lại cũng chỉ để mỉm cười, thế thôi. Bà cũng chẳng còn ghét bỏ hay khinh miệt một ai nữa hết. Chao, con người! Trần Gian! Một khi đã chấm dứt cơn mơ dài của nó, ai có khác ai?
*
Hôm nay, thì tất cả chúng ta đã thành thiên cổ. Ban đầu là Đạm Cô Nương, "nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương." (Ngày đó chị ấy đã nhất thiết không thể sống thêm, chẳng phải vì một nỗi đoạn trường màu tím tía nào cả, song chỉ vì đã được báo động giả về một ngày tận thế chẳng hề xảy ra, - một tiểu hành tinh nào đấy, cháu nhớ không? Nó đã không thèm đến, nhưng vẫn chẳng có gì cứu vãn được cơn tự kỷ ám thị kinh khủng của chị ấy: Dầu đang say đắm theo dõi một vở cải lương truyền hình 107 tập, không thể chớp mắt hay gãi chỗ muỗi đốt, thế nhưng đến "ngày hẹn của Tử Thần", vẫn nhất thiết trút hơi thở cuối cùng, giã từ mọi đam mê, thống khổ và hoan lạc của tồn tại địa cầu.) Còn lại, phần lớn chúng ta đều ra đi muộn màng hơn, theo cách phải đi: Họ Mã, thì một bọn đàn em bán đứng. Họ Sở, - ngã trầm trọng trong lúc đang quất ngựa truy phong. Họ Kim; - vì thấp khớp sau hơn nửa đời quỳ mãi bái lễ chốn quan trường. Họ Thúc, - do tổn thương hệ miễn nhiễm, bất chấp Hoạn Cô Nương đã bỏ ra hàng nghìn lượng vàng, van vái tứ phương. (Cố nhiên bà lại suýt phải ra cửa quan, bị tình nghi chính phạm.) Họ Từ, như ai nấy đều biết, đã kịp chết đứng trước đợt cải huấn đầu tiên. (Về việc này bà vẫn còn mang điều tiếng quá nhiều.) Còn họ Hồ, cuối cùng cũng đã nhanh chóng tìm được một kiểu nghỉ ngơi xứng đáng với sự nghiệp oai hùng của mình. Rốt cục, còn lại bà, hoá ra sống dai hơn hết thảy. (Bà chẳng dám đâm đầu xuống dòng sông nào hết: Tất cả sông rạch ở chỗ bà đều đen sánh và tanh lợm, chả ai lại đi nhẩy xuống đấy!) Bà cứ tiếp tục sống. Vâng, tiếp tục sống, cháu ạ. (Thế có đáng ghét không?)
Sự thật, bà chỉ đi sau ông cụ chủ nhà thôi.
Tội nghiệp ông cụ, cuối cùng, bà thình lình trông thấy, đang đứng tì vào cửa buồng tắm. Nhớ lại, bà không khỏi buồn cười. Dạo bà còn sống, chao, khắp cái làng thổ tả ấy có đào đâu được một cái buồng tắm cho ra buồng tắm! Có mỗi một nơi công cộng thì nom cẩu thả quá sức, mà sát đấy lại là nhà trọ của một đám học trò; đám này, hẳn cháu biết thừa, là chúa ranh ma, ngày nào cũng tổ chức rình rập hết sức công phu. Mà quên, bà lại chia trí mất, đang nói chuyện gì ấy nhỉ? Ông cụ? Ờ phải, hôm ấy, vừa ra đến nơi, vừa kịp gội đầu, bà đã trông thấy ông cụ. Bà lạnh toát cả người, vì có bao giờ ông ấy lại xuất hiện được ở đây như thế! Nhưng mà, nom ông mới ưu uất làm sao, lại thêm cứ thở dài, não lòng quá: Đi thôi, con! Bà bất giác nghe theo: Vâng. Rồi vội vàng sửa soạn về. (Chỉ khổ thân cho đám học trò, bận ấy, chẳng xem được điều phải xem, đành rút lui, thần sầu; có cậu khóc tức tưởi, có cậu làm hẳn một chùm thơ rất khắc khoải, nghe đâu về sau đoạt giải nhất một cuộc thi của..) Về đến nhà, bà mới vỡ lẽ, ông cụ đã đi từ lúc nào (trên tay vẫn khư khư tập bản thảo tội nghiệp, ố vàng, đã thôi chả bao giờ còn hòng xin được giấy phép công bố!) Thế, bà cũng ngã bệnh.
Hết một mùa Đông, bà mới nhắm mắt; nhà hoá vô chủ, chỉ còn bụi đóng, nhện giăng, với cơ man nào là vớ bảo hộ treo chi chít, chẳng khác những cánh dơi... Đám bà chả ai đưa, chỉ có người phu huyệt đẩy đi trong cái chiếu mục, trên cái xe thồ ba bánh... Đến nơi, gã đào một cái hố, đặt bà nằm xuống đấy, xong, lấp đất. Bà nhớ, có một lúc gã dừng xẻng, châm thuốc hút, lơ đãng vẩy tàn xuống huyệt, lơ đãng nhìn theo bằng cặp mắt một bên chột, làm bằng thuỷ tinh... Thế rồi, đất lấp lại. Bà nhớ mãi con mắt thuỷ tinh của gã - hình ảnh cuối cùng của Trần Gian. Lầm lỗi. Bất toàn. Tội nghiệp.
*
Cháu bảo, bà còn biết làm gì bây giờ, nếu không muốn phát điên lên vì chờ và xám hối? Thật, chỉ có thể là ngồi vẩn vơ thế này thôi, đúng không, mặc dù ấy chả có gì là hay ho, chả đáng được khuyến khích chút nào hết. Có những suy nghĩ làm đỏ mặt, có những suy nghĩ làm tái mặt; dù sao, các Thiên Thần biết cả. Phải tổ chức lại tư duy, con người phàm tục ạ! Những hồi ức cũng chả ngăn nắp gì hơn, nhưng bà cũng thích trốn cả vào đấy nữa. Gần đây, bà như người nghiện ký ức, cháu hiểu không. Nó cũng giống như những ngăn kéo của một cái tủ cổ lỗ sĩ vậy, chẳng phải lúc nào cũng đầy ắp sự vật với kỷ niệm, nhưng thường thì vẫn thật bất ngờ. Có cái, mở đến, chỉ thoang thoảng một mùi hương, cháu sẽ chẳng còn nhớ đã bắt gặp ở đâu, chỉ biết sững sờ, mắt nhắm lại; một cái gì đó quẫy đạp trong trí nhớ, vô vọng... Có ngăn kéo, hé ra, chỉ ùa vỡ một chuỗi cười réo rắt. Có thể tin được không, ngày xưa cháu đã từng nghe? Nhưng nó lại tắt dần vào xa xăm, mặc cháu còn đang mải rùng mình, vì nhớ. Có khi, ngăn kéo bỗng mở ra một hành lang thẳm tối; có khi, một mảng trời đầy sao; cháu sẽ phải đóng ập lại, run rẩy hay lặng đi, rất lâu... Nhưng mà, cháu ạ, đừng có lạm dụng, những cặp mắt Thiên Thần cũng sẽ lại ghé sát vào, kéo cháu về với thực tại. Phải, thực tại, dẫu cho nó chẳng là gì hết, ngoài một không gian vô bờ, với một...
*
Thật tiếc, vừa nhắc đến, bà đã phải trở về với nó - cái thực tại ấy: Một Ngài Thiên Thần, cháu ơi, lại đang ghé xuống chỗ bà, vẫn vẻ nhắc nhở. Tại sao? Sao còn làm? Có biết thế là... Vâng. Thế thì, tạm biệt! Bà phải quay về với bổn phận. Mà hình như, xin lỗi, bà quên: Lần rồi, cháu bảo gì ấy nhỉ? Sẽ gửi quà cho bà ư? Cảm ơn cháu. Song, nói cho nghiêm túc, hãy đừng ai gửi gì cả. (Bà có cần gì nữa đâu, nếu chẳng phải là sự an nghỉ đời đời mà hiện thì chưa có được?) Thế, tốt hơn, là đừng có gửi (nhất là tiền bạc) gì cả. Thật chả ra sao, cháu hiểu không; hễ có dịp, thiên hạ trên ấy lại đua nhau đốt vàng mã, còn ở đây thì cứ chốc chốc lại tòi ra trong túi của ai đấy không biết cơ man nào là tiền; chỉ nhọc cho các Thiên Thần: Các Ngài cứ phải bận bịu suốt, cuống quýt tới lui, thâu hồi lại cho bằng hết những thứ của nả trần tục ấy. (Đã bảo, người ta đừng có cất công mà; chả ăn thua gì đâu. Ở đây, ai cũng thừa biết, của cải nó đã làm tha hoá các linh hồn như thế nào rồi, thật đấy!) Còn như, bà nhắc lại, về cái truyện cổ tích bà đã hứa, thì yên trí, nhất định bà sẽ giữ lời, sẽ kể, dù không có quà; có thể là ngày mai, có thể muộn hơn, song, cháu ạ, chỉ cần nhớ giùm bà, đừng nỡ đòi hỏi phải là một chuyện bố cục ly kỳ, tình tiết éo le, rằng đâu ra đấy, mà thú thật, bà thà chết mất. Thôi thì, hãy tạm thoả thuận, cứ để người kể sẽ liệu, tuỳ nghi sắp xếp, miễn sao cho mạch lạc hơn thế này, là được, chứ gì?
Saigon, 03/1993
1 comment:
Đã in trong tap truyen ngan TANG TRET THIEN DUONG (nxb TRE/tpHCM, 1995), Tap Chi TIA SANG, Tap Chi VIET (Nguyen Hung Quoc & Hoang Ngoc Tuan chu bien), va Website Thuy Khue (http://vannghe.free.fr/buihoangvi/tttd/index.html)
Post a Comment